Nhan đề cuốn sách khiến người đọc bối rối, không hiểu tác giả sẽ trình bày được những vấn đề gì xung quanh một đối tượng nghiên cứu “phức tạp” là “thơ Việt Nam hiện đại” chỉ trong gần 350 trang sách. Thơ ca Việt Nam hiện đại có thể không phải là nền thơ lớn, xét theo khía cạnh là "quê hương" của các khuynh hướng thi ca ảnh hưởng rộng khắp; nhưng với sự đa dạng và nhất là sự đan xen các giai đoạn và trường phái thơ ca với nhau thì để “bóc tách” kèm theo những nhận định đúng đắn và trình bày một “bảng lược đồ” tiến trình phát triển của thơ Việt Nam hiện đại là việc chẳng dễ chút nào. Trong phần I cuốn sách là “Hiện đại hóa và những khúc quanh lịch sử”, gồm có 6 bài tiểu luận riêng biệt. Trừ bài viết “Thơ Mới từ góc nhìn sinh thái học văn hóa”, là một cách thử tìm trong Thơ Mới những dữ kiện để có thể áp dụng phê sinh thái học văn hóa, các bài viết còn lại là một ý đồ sắp xếp của PGS, TS Nguyễn Đăng Điệp để bạn đọc hình dung tiến trình phát triển thơ Việt Nam hiện đại từ các nhà thơ Thơ Mới giai đoạn 1932-1945 cho đến những nhà thơ sáng tác theo cảm hứng chủ nghĩa hậu hiện đại ngày hôm nay.