Xuất hiện và được biết đến từ những “tờ rơi” thơ, Văn Thùy dần chiếm cảm tình của bạn những người tình cờ một lần biết đến thơ ông. Tác giả thơ dân gian giữa thời hiện đại cũng từng bước nhận được sự ghi nhận của văn giới.
Từ những tập thơ được ông viết tay, tự vẽ minh họa, tự trình bày, xuất bản dưới hình thức photo, giờ đây, thơ Văn Thùy đã được một số nhà xuất bản nhận in. Xin giới thiệu với bạn đọc tập thơ in đầu tay của ông: tập “Thơ thu gom”
Mỗi bài thơ ra đời Văn Thùy đều không thấy hài lòng, ông thường chỉnh sửa, hoàn thiện nó, thậm chí có những bài được ông sửa đến hàng chục lần. Đó cũng là sự thuận lợi khi tự xuất bản thơ chép tay. Giờ đây, dù đã được in công nghiệp nhưng tại buổi giao lưu Văn Thùy vẫn dặn những người đọc sách nếu thấy chưa hay ông sẽ sửa vào chính bản in cho hay hơn. “Thơ như là cắt tóc gội đầu vậy, tuần này khác, tuần sau khác”, ông nói.
Viết rất nhiều những câu thơ, bài thơ không phải quá dài nhưng chính Văn Thùy cũng không thuộc hết thơ mình. Ông bảo ông viết ra cho người khác đọc là chính. Như thể nhân gian mượn miệng ông để nhả ra những vần thơ tưng tửng và sâu cay vậy.
Văn Thùy cũng cho biết, tới đây ông sẽ viết các thể thơ khác ngoài lục bát. Ông nói rằng, sang một miền thơ mới nhưng vẫn giữ giọng điệu của riêng mình và không ngại những khen chê của người đọc. Theo ông, sáng tạo là thứ rất khó để hài lòng, và sự toàn vẹn không có đích cuối cùng nào cả.
Cách sống, cách ứng xử với thơ, với đời của Văn Thùy không giống ai, không lẫn vào đâu được. Chẳng có một chốn đi về, chẳng có một xu trong túi ông vẫn sẵn sàng lên đường. Ông chẳng thuộc về đâu, cũng chẳng lưu lại chốn nào quá lâu, bạn bè luôn sẵn lòng tiếp đón, dù thế ông cũng rất hiếm khi làm phiền đến họ. Muốn tìm ông, vào dịp Tết cứ đến Văn Miếu, từ nhiều năm nay ông luôn có một gian ngồi viết thư pháp ở phố ông đồ. Trước đây, trong những tập thơ tự in ông luôn ghi chú hai hình thức “liên hệ bằng chân” và “liên hệ bằng mồm”, nhưng có lẽ chỉ nên liên lạc điện thoại thì tốt hơn cả.