Thiên thần sám hối (và những truyện ngắn tiêu biểu) của Tạ Duy Anh là một món quà mùa thu gửi đến những ai còn nằm trong... bụng mẹ. Vì gần 100 trang của phần đầu tác phẩm dày 340 trang này dành viết về những trăn trở của một thai nhi: Nên ra đời, hay không nên ra đời? Tồn tại hay không tồn tại? Nên có mặt hay im lặng phụt tắt như đốm lửa vốn ẩn trong que diêm chưa đốt nhưng đã tử vong, rời rã? Trước khi đi đến quyết định cuối cùng, đứa bé nằm trong thai mẹ đã lắng nghe những chuyện kể bên ngoài -quanh giường sản phụ. Đó là chuyện những người đàn ông đầy dục vọng và sống dối trá. Chuyện những cô gái bị thất thân, những người đàn bà nhàm chán chăn gối nhưng phải chấp nhận cuộc sống vợ chồng nghiệt ngã. Những phụ nữ mang thai không biết rõ cha đứa bé mình sắp sinh là ai, vì đã chung đụng với nhiều "người chồng" cùng lúc. Tóm lại, thai nhi nghe tiếng thở dài ngoài đời vọng vào, buồn nhiều hơn vui, cho đến lúc một thiên thần đến bên giường mẹ nói: "Sự sống là đức hạnh mỗi người sẽ đem theo khi trở về" - và khuyên bà vững chãi "ngay cả khi đau khổ lớn nhất có thể chọn bà giáng xuống". Thiên thần còn kể về những bất hạnh mình phải nhận chịu khi sống làm người, làm một cô gái tuyệt vọng, cô thân, nhưng tất cả những giọt nước mắt chảy xuống khiến mặt đất thêm vị mặn mà của sự sống đầy ân sủng và giúp con người trân trọng, giữ gìn những ngọt ngào đang có. Tới đây, ngẫm lại mình, tình cảnh của mẹ, của cha và tiếng vọng của thiên thần, đứa bé trong bào thai đã quyết định chào đời: "Tôi phải đến, thay vì bỏ đi". Tuy viết chuyện "trước khi sinh" nhưng đọc xong vẫn không cảm thấy xa lạ lắm, vì ai cũng từng là một thai nhi trong bụng mẹ và cũng có thể tự kiểm lại "sau khi chào đời" tới nay mình đã chuẩn bị gì cho "cuộc trở về" chưa?