Quyển sách “Thiền quán nghệ thuật sống” tuyển tập 10 chương do William Hart biên tập từ những bài thuyết giảng của cư sĩ Satya Narayan Goenka tại các khóa thiền Vipassana.
Mỗi chương được trình bày bằng câu chuyện triết lý Phật giáo, sau đó phân tích ứng dụng thiền quán trong đời sống hàng ngày, nhằm gợi mở các khả năng trị liệu khổ đau. Thỉnh thoảng người biên tập đi thẳng vào các vấn đề khái niệm, học thuyết Phật giáo và những vấn đề Phật học căn bản, nhằm giúp cho các thiền sinh dễ dàng nắm bắt những lời dạy minh triết và đạo đức của đức Phật Thích Ca. Nhờ đó, giúp người nghe hiểu đạo Phật một cách có hệ thống, hỗ trợ cho việc thực tập thiền có hiệu quả hơn.
Bắt đầu từ kinh nghiệm trải nghiệm Phật pháp và thiền quán, tác phẩm này đã chia sẻ nhiều tình huống khác nhau, theo đó, người khổ đau tìm thấy được hạnh phúc, người hạnh phúc tìm thấy hạnh phúc sâu lắng hơn, người thành công và có quyền lực trở nên vô ngã hơn và phụng sự xã hội bằng tinh thần dấn thân hơn.
Bằng sự thực tập thiền quán, do nhiều người sống với động cơ tham, sân, si; nên việc thực tập chánh niệm và tỉnh thức có khả năng giúp chuyển hóa các nghiệp cũ, hướng đến đời sống bình an và hạnh phúc. Nghệ thuật sống thiền bắt đầu bằng sự duy trì dòng chánh niệm, theo đó hành giả làm chủ được cảm xúc, thái độ, tâm tư, nhận thức, hành vi và lối sống.
Xác định nguồn gốc khổ đau là tham ái, giận dữ và si mê; tác giả đã trình bày qui luật nhân quả, từ đó, giới thiệu con đường thoát khổ là Bát Chánh Đạo, được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1: Đạo đức, lời nói chân chính, hành vi chân chính và nghề nghiệp chân chính. Nhóm 2: Thiền định, tinh tấn thực tập, chánh niệm và thiền định chuyển hóa. Nhóm 3: Trí tuệ, tầm nhìn duyên khởi và tư duy giải quyết khổ đau.
Thiền quán không chỉ là một nghệ thuật sống năng động và tích cực, mà còn là con đường chuyển hóa, có khả năng giúp cho người thực tập nhổ lên tận gốc khổ đau và trải nghiệm hạnh phúc ngay cuộc sống hiện tại.