Sau những tiểu thuyết, kịch và phim truyện mang cảm hứng của cuộc sống đương đại với những chất liệu xù xì, thô ráp và khắc nghiêt, đau đớn của thực tại đang diễn ra, Võ Khắc Nghiêm tìm về lịch sử, lấy cảm hứng tiểu thuyết trong các biến cố lịch sử và từ các nhân vật anh hùng, các liệt nữ.
Trong lịch sử Việt Nam có những bông hồng tài sắc không ít lần làm nghiêng lệch chính sự, đưa quyền lực trôi theo hướng không ngờ, thường đẩy nhanh tiến trình lịch sử, mặc dù tiến trình đó không ít nước mắt và máu. Một Dương thị, một Lý Chiêu hoàng và một Nguyễn Thị Lộ, vân vân... không gây biến thiên ghê gớm nhưng nếu không có vai trò của họ thì những cuộc chuyển giao quyền lực lúc nước sôi lửa bỏng ấy sẽ không như những gì mà hậu thế chứng kiến. Giống như tất cả các bậc đế vương, hình bóng của các bông hồng ấy để lại trong lịch sử hoặc lung linh chói sáng hoặc u tối hiểm họa được bao bọc trong lớp sương mù huyền thoại vừa dân gian vừa huyền bí, nửa ma quỉ nửa thần tiên. Trong bề bộn dự liệu lịch sử đó, điểm nút đối kháng, phe phái chính tà, và trong những nhân vật thủ lĩnh thì những kẻ sĩ, giai tầng trí thức với thân phận bi tráng của họ và những mệnh phụ tài sắc mà ảnh hưởng của họ như những mạch nước ngầm có thể làm sụt lún cả một vương triều, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ và lâu bền nhất cho hàng ngàn, hàng vạn trang tiểu thuyết xưa nay. Những tiểu thuyết gia trong lịch sử cũng như đương đại đều hăm hở tái hiện không khí của một giai đoạn lịch sử, một không gian lịch sử, một thời đại, mong tìm ra những triết thuyết nhân sinh hoặc những bài học lịch sử trong việc mưu toan quyền lực, để xây dựng thế giới hiện tại trong những bước đi ít bi kịch hơn. Các nhà tiểu thuyết bằng cảm quan nghệ thuật chắp nối và kế thừa những huyền thoại vốn rất được sùng bái trong dân gian để tiếp cận lịch sử, tiếp cận các bậc quyền năng. Riêng Võ Khắc Nghiêm sự tiếp cận hướng đến những kẻ sĩ, đó là Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi, những trí thức hàng đầu trong không gian khởi nghĩa Lê Lợi đang tìm kiếm vương quyền với cách của Võ Khắc Nghiêm là bạch hóa những điểm mờ của lịch sử, kiếm tìm lời giải cho những tồn nghi lịch sử, trần tục hóa những sự kiện thần bí và giải những huyền thoại. Dĩ nhiên đó là tư kiến của nhà văn, nó là sự biến hóa của tiểu thuyết với tư cách là một đặc trưng nghệ thuật, nó tồn tại với những kiến giải khác và với huyền thoại, dù nó có bị sụp đổ trong thoáng chốc trong phép giải của tác giả. Thị Lộ Chính Danh của Võ Khắc Nghiêm mang tham vọng như vậy và nó đi tìm và khảo sát mối quan hệ giữa học vấn và quyền lực, hay thân phận kẻ sĩ trong môi trường quyền lực vừa mới giành được của vương triều nhà Lê.
Tiểu thuyết Thị Lộ Chính Danh là một văn bản diễn ngôn thể hiện ý dồ của tác giả muốn tiếp cận một chân dung thật, sự chân xác như nó có của một trí thức thời phong kiến độc lập, cụ thể là chân dung Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi, hai trí thức tiêu biểu. Tác giả muốn xuyên thấu lớp sương mù huyền thoại dày đặc, được thêu dệt dầy vẻ thần bí, bóc tách từng vỉa để đến với sự thật. Đó là điều mới mẻ mà cuốn tiểu thuyết của Võ Khắc Nghiêm có, của riêng nó: tôi gọi đó là PHÉP GIẢI HUYỀN THOẠI, chiêu tuyết cho Thị Lộ. Nguyễn Trãi được cả thế giới giải oan, nhưng Nguyễn Thị Lộ thì chưa ai làm cho nàng điều này một cách sâu sắc và đầy đủ.
Thị Lộ của Võ Khắc Nghiêm là một Thị Lộ tài sắc, Thị Lộ chính khách, nhưng trên hết và cuối cùng là một Thị Lộ kẻ sĩ, một trí thức của nước Việt mang màu sắc Võ Khắc Nghiêm. Nàng xuất thân là một cô gái kẻ chợ, đi “bán chiếu gon”, nghĩa là buôn bán nhỏ nhưng đẹp và thông minh. Cuộc gặp gỡ giữa Lộ và Trãi, đúng là trai tài gái sắc, cuộc kì ngộ này đẹp như một giai thoại, thực tế nó có thể đẹp như thế và cũng có thể là một giai thoại hoàn toàn thêu dệt. Thị Lộ trong tiểu thuyết của Võ Khắc Nghiêm còn đẹp hơn, thông minh sắc sảo hơn và với tư chất như thế nàng lại gặp được người chồng có trí tuệ siêu việt như Nguyễn Trãi, những năm tháng đàm đạo với chồng đủ kiến văn để làm nên một Lễ Nghi học sĩ và người thầy dạy vị vua tương lai, tác giả tiểu thuyết đã bạch hóa một tồn nghi lảng vảng mấy trăm năm về học vấn của nàng.
Tầng lớp trí thức thời khởi nghiệp của nhà Lê “như lá mùa thu”, tiêu biểu là Nguyễn Trãi, đã góp công lớn đánh giặc, đưa lê Lợi lên ngai vàng. Và Thị Lộ, học sĩ dạy vua từ những việc nhỏ của phép trị nước, chăn dân với lòng nhân ái như một hằng số. Rồi nàng và chồng, giúp vua san định văn hiến thi thư lễ nhạc của một triều đại mà vua mới “rũ bùn” ngồi lên ngai vàng để thể hiện quyền lực mà bấy giờ không phải với bên ngoài mà là bên trong. Quyền lực cốt lõi là duy trì quyền lực, mà muốn duy trì quyền lực thì giai cấp thống trị thường chọn sự ổn định. Kẻ sĩ vốn không bao giờ bằng lòng với hiện tại, luôn chọn sự tiến bộ cho đất nước. Lê Lợi nằm gai nếm mật 20 năm, chân mạng đế vương mà phải giết hai mươi mấy công thần để loại bỏ nguy cơ, huống hồ những kẻ tiều phu, thảo khấu vừa được khoác áo nhất phẩm, nhị phẩm, tam phẩm… thì sự tàn bạo sẽ không có giới hạn.
Cho dù Thị Lộ với tư cách là một kẻ sĩ, đã giúp vua diệt trừ được hai kẻ phụ chính lộng quyền, tàn bạo, giúp vua “làm mới triều đình”, nhưng lại không thể đương đầu nổi mưu kế cùng đường của ả hoàng hậu do chính nàng dạy bảo, nâng đỡ chỉ vì một chút lưỡng lự đầy nhân ái.
Đến đây ngòi bút của nhà tiểu thuyết tỉnh táo đã không đi theo vết trượt đầy mê hoặc của huyền thoại Rắn báo oán, Cáo trắng, Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần… Huyền thoại sụp đổ. Cái chết của ông vua trẻ là có thật. Nàng học sĩ tuổi hồi xuân đằm thắm là có thật. Và những âm mưu của Nguyễn Thị Anh đổ tội ác cho người khác để cứu mình là có thật. Một kế họach thực thi tội ác thật hoàn hảo. Nó không còn gì là thần bí huyền hoặc dưới ngòi bút của Võ Khắc Nghiêm. Huyền thoại dù được giải những sự thật vẫn là tiểu thuyết, phép giải có vẻ tàn nhẫn nhưng sự thật chấp nhận sự tàn nhẫn. Có lẽ vì vậy mà huyền thoại có lí do tồn tại của huyền thoại, nó có phép che lấp sự tàn bạo, che lấp sự khổ đau, máu và nước mắt, nó làm cho sự kiện lịch sử trở nên thần bí và mung lung, nó biến sự tàn khốc thành thần bí, nó biến vinh quang thành thần tiên, siêu linh, thượng đế.
Cuộc hôn phối giữa quyền lực và trí thức kết thúc bằng thảm án Lệ Chi Viên mà lỗi chính là sự ngô nghê của thời đại, đến nỗi ngòi bút của nhà chép sử cũng bị bẻ cong với những dòng ác độc. Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và vị vua trẻ đầy nhiệt huyết đều chết bởi quyền lực mà mình góp công xây dựng nên. Dẫu vậy, họ vẫn cứu được mẹ con một vị Vua Thánh và để lại nền móng hưng thịnh và làm nên một giai đoạn hoàng kim cho đất nước tự chủ suốt gần 400 năm thời Hậu Lê.
Nhân vật Nguyễn Trãi của Võ Khắc Nghiêm tuy là một vĩ nhân, thông thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn ngây thơ, khi vương triều đã có mầm loạn mà ông còn muốn níu kéo một sự ổn định giả tạo, chính sự ổn định ấy đã dung dưỡng cho sự tàn độc trưởng thành và Nguyễn Trãi rơi đầu vì khát vọng nhân nghĩa ngây thơ của mình. Võ Khắc Nghiêm đã dùng thủ pháp kịch sân khấu và điện ảnh vốn là thế mạnh của ông, khi không cần thì nhịp điệu nhanh, với một lối trần thuật khúc chiết kiệm lời, để khi cần, sẽ dồn nén tập trung vào tình huống nghệ thuật - đối kháng, một mất một còn của nhân vật hoặc trường đoạn dạy vua - Đó là thủ pháp bóc tách từng lớp huyền thoại như bóc tách từng lớp giấy bọc của lịch sử, giúp ta nhìn lịch sử, tiếp cận lịch sử không bị một lớp sương mù huyền thoại được tạo ra bởi mục đích chính trị.
Các huyền thoại xưa nay vốn được mặc định trong ý thức người dân từ khi mới sinh ra, tạo một lớp sương mù thần linh bí ẩn để sự thật lịch sử bị khúc xạ, thường là lớp người sau, trong vô thức cộng đồng không mấy khi chấp nhận sự thật lịch sử khi nó không giống như huyền thoại. Rất nhiều huyền thoại trong cuộc đời Lê Lợi, Nguyễn Trãi cũng như Thị Lộ được Võ Khắc Nghiêm lý giải theo cái nhìn biện chứng, giải huyền thoại. Tuy nhiên Võ Khắc Nghiêm không chú tâm và cũng không đi tới cùng ý tưởng giải huyền thoại lịch sử của mình, mà ông cuối cùng, đưa cuốn tiểu thuyết của mình đứng chênh vênh giữa giải huyền thoại và lịch sử, để rốt cuộc là cuộc hóa giải sự ác độc của quyền lực mà Nguyễn Thị Anh và phe nhóm hành sự bằng cái nhìn hiện sinh, coi đó là sản phẩm tất yếu của giai đoạn lịch sử cụ thể mà quyền lực là mục tiêu tranh giành, cũng là tất yếu, của các phe nhóm bao giờ cũng ở mức độ quyết liệt.
Thị Lộ Chính Danh là cuốn tiểu thuyết lịch sử, vừa là lịch sử vừa là giải huyền thoại, nó đi tìm một chân giá trị lịch sử với những nhân vật quen thuộc mà sống động đầy mới lạ của riêng Võ Khắc Nghiêm. Đây là cuốn tiểu thuyết chân thật, hấp dẫn nhưng quan trọng nhất là nó đưa lại cho chúng ta những thông điệp tưởng như còn hiện hữu trong cuộc sống đương đại.
Sau lần xuất bản đầu nhận được nhiều khích lệ, được đặt hàng làm phim truyện, được Ban Quản lý Đề án Bảo tồn phát huy giá trị các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam đầu tư in với số lượng lớn, Võ Khắc Nghiêm đã kỳ công bổ sung, hoàn chỉnh Thị Lộ Chính Danh với mong muốn làm mới những người Việt nam xưa cũ mà tầm vóc vẫn sừng sững với mọi thời đại.