Phần trước, chủ yếu do Nguyễn Đông Triều viết, trên cơ sở khảo sát thực địa nhiều nơi để thu thập tư liệu, bao quát một phạm vi rộng lớn từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên đến Thành phố Hồ Chí Minh, ra tới Bình Thuận, đã ghi chép/ giới thiệu một cách công phu và chính xác nhiều di tích văn hóa, lịch sử cũng như về một số nhân vật liên quan đến lĩnh vực Hán Nôm, nhờ đó chúng ta có thể biết thêm những chi tiết đáng chú ý về nhiều chuyện có thể đã từng được nghe thoáng qua đâu đó nhưng chưa tường tận, như Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn và khu mộ cổ ở Sa Đéc, di sản văn hóa Hán Nôm đình Bình An, chùa Vĩnh Phước An (Bạc Liêu), văn tế nôm Nam Bộ qua sách Gia lễ tập thành, chùa Ngọc Hoàng một di tích độc đáo… Trong phần trước này, yếu tố văn tự/ văn chương Hán Nôm được đặc biệt chú ý khai thác/ diễn giải với hàng trăm câu đối, hoành phi, thơ, văn có kèm phiên âm, dịch nghĩa cẩn thận, không chỉ giúp người đọc ngày nay nhận thức được di sản quý báu của các thế hệ cha ông, trong khi nghiên cứu văn hóa - lịch sử hoặc đi du lịch, mà còn góp phần bổ sung tư liệu đáng kể cho những bộ quốc sử hoặc lịch sử văn học sau này.
Phần sau, chủ yếu là những công trình của Phan Mạnh Hùng đã được đăng báo/ tạp chí, đặc sắc vì đã giới thiệu được, hay nói đúng hơn “nhắc lại” được, một mảng văn học miền Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 40-60 của thế kỷ trước mà trong một thời gian khá dài hầu như đã bị lãng quên, khiến nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, không được biết đến. Đó là những công trình, tác phẩm của giới nhà văn/ nhà nghiên cứu tiền phong tiêu biểu của miền Nam mà hoạt động của họ phần nhiều gắn chặt với ngành báo chí - xuất bản của thời đó. Đọc phần này, chúng ta sẽ có dịp được biết và hiểu thêm bài văn khóc thầy của các nhà văn Quốc ngữ tiên phong, Túy Kiều án và Túy Kiều phú ở Nam Bộ, việc giới thiệu về Nam Bộ trên Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tập chí, Tân Dân Tử và những bộ tiểu thuyết lịch sử lừng danh về Gia Long, Dương Tử Giang nhà văn dấn thân, Thẩm Thệ Hà nhìn từ lĩnh vực phê bình văn học…