Tây du ký kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng Trư Bát Giới và Sa Tăng phò Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh. Đường đi gặp nhiều gian nan trắc trở, thầy trò Đường Tăng trải qua 81 nạn, cuối cùng đến được xứ sở của Phật tổ, mang kinh Phật truyền bá về phương Đông.
Tác phẩm thể hiện sự phản kháng mạnh mẽ hiện thực đen tối: những bất công ngang trái, hủ bại và tàn bạo ở trên trời, dưới đất, giữa trân gian. Mũi nhọn của sự chống đối đó, trước hết nhằm vào hiện thực xã hội thời Minh – một xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, đầy rẫy bất công ngang trái. Tác phẩm còn phản ánh lý tưởng tự do bình đẳng cũng như tinh thần khắc phục khó khăn, chiến thắng thiên tai nhân họa để thực hiện bằng được lý tưởng của nhân dân và tầng lớp thị dân mới trỗi dậy đương thời.
Tây du kí là bộ truyện lãng mạn mang sắc thái thần thoại, đối tượng miêu tả là thần phật, yêu quái. Sức tưởng tượng mạnh mẽ của tác giả đưa người đọc vào một thế giới huyền ảo, diệu kỳ. Đọc bộ tiểu thuyết, chúng ta gặp hết việc ly kỳ này đến việc ly kỳ khác, không thể đoán trước được. Mỗi hồi, mỗi đoạn đều mới mẻ và hấp dẫn, không chỗ nào giống chỗ nào. Nhưng thế giới huyền ảo đó được miêu tả căn cứ vào hiện thực, nên người đọc vừa kinh ngạc vừa cảm thấy gần gũi.
Lạc quan, dí dỏm và hài hước là đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Tây du ký. Mô tả chuyện thần tiên, yêu quái nhưng không để lại cho người xem ấn tượng rùng rợn, kinh hoàng. Chính tính cách lạc quan, tự tin của nhân vật, mà chủ yếu là Tôn Ngộ Không đã quyết định khuynh hướng tác phẩm. Tác giả thông qua hành động đùa bỡn, ngôn ngữ hài hước của Tôn Ngộ Không để châm biếm, giễu cợt.
Tây du ký đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Anh, Nhật… và dựng thành phim rất hấp dẫn.