Tạp bút năm Giáp Tuất 1994 (di cảo), là những trang viết sau cùng của một đời người cặm cụi vừa học vừa chơi, và tìm tòi khảo cứu.
Đọc văn của cụ Vương Hồng Sển nếu người không quen kiểu cách mấy ông già Nam bộ rề rà tẩn mẩn kể chuyện nọ kia sẽ rất sốt ruột. Nhưng ẩn trong những ngóc ngách câu chuyện có nhiều khi được kể theo cách “sang đàng” từ chuyện này bắt quàng chuyện kia, lại bật ra nhiều điều thú vị. Không chỉ thế, cuộc đời sôi động và khả năng minh mẫn đến tuổi chín mươi còn viết báo như cụ Vương là cả một kho tư liệu.
Đọc cụ, thú vị khi phát hiện những nét nghĩa của từ, xuất xứ những lời ăn tiếng nói, rồi từ đó hiểu thêm tính cách người dân ở mỗi vùng miền... là những bài học không dễ có được.
Càng thú vị hơn khi cụ quen viết quyển này nhắc lại quyển kia, làm cho người đọc thấy mình giàu thông tin. Như ở quyển di cảo này, cụ Vương cho biết trong lần in quyển Sài Gòn tạp pín lù trước đây, câu thơ châm ngôn của ông Nguyễn Trinh Tường đã bị cắt bỏ: Kiệm cần chắt mót ích gì/Thà làm công tử tù ti sướng đời. Rồi ông cắt nghĩa chữ “tù ti”, thế là bạn đọc hiểu thêm được một chữ. Hay như trong một bài khác, ông thuật lại sự ra đời của đồng tiền để cắt nghĩa chữ “mẹ tròn con vuông”, có thể nhiều người chưa đồng ý với cụm từ thuần Việt “mẹ tròn con vuông” liệu có ăn nhập gì với xuất xứ tiền đồng bên Trung Quốc, nhưng dẫu sao đây cũng là một cách lý giải, chứa đựng phong cách Vương Hồng Sển. Người đời sau nếu thấy chưa ổn thì cũng có lý do để khảo cứu tiếp.