Cuốn sách gồm 4 phần, phần I là những bài viết xung quanh tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Bác, chủ yếu nhằm giới thiệu phần nào chân dung những người đã dịch thơ Bác sang các thứ tiếng nước ngoài. Ở đây, người đọc nhận thấy tác giả đã sưu tầm, tìm hiểu kỹ lưỡng trong nhiều năm mới có thể tổng hợp được. Cụ thể, cho tới thời điểm năm 2007, “Nhật ký trong tù” đã được dịch sang 25 thứ tiếng, trong đó có 21 thứ tiếng soạn giả đã được tiếp cận, còn 4 thứ tiếng nêu lên theo thông tin sách báo.
Phần II, gồm một số bài viết về các khía cạnh hoạt động của Bác. Trong đó, nói đến việc Bác đã khích lệ phát triển tiếng Nga ở Việt Nam. Hay những câu chuyện giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với những người phiên dịch. Bác Hồ là người biết và thông thạo nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, Nga, Trung Quốc…
Khi ở vai trò Chủ tịch nước, nhiều người đã được nhận nhiệm vụ làm phiên dịch cho Bác trong những dịp đón các đoàn khách quốc tế hay những người bạn quốc tế thân thiết đến thăm Việt Nam. Những lần đó, với vốn ngoại ngữ thông thạo, Bác đã cứu “nguy” cho nhiều phiên dịch, giúp mọi người tự tin hơn với vai trò của mình và thầm cảm phục, biết ơn Người.
Phần III cuốn sách giới thiệu về bạn bè của Bác ở bốn phương, những người luôn yêu mến, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Đó là, Vera Vaxiliêva - Nhà Việt Nam học đầu tiên ở Nga; Ngài pridi Phanomyon, nguyên Thủ tướng Thái Lan. Ông đã có công giúp đỡ mấy vạn Việt kiều sống ở bên sông Mê Kông dưới bom đạn quân thù tản cư sang đất Thái, cung cấp quần áo, chăn màn, đón bà con về từng gia đình Thái… Hay nữ thi sỹ, nhà báo Pháp Madơlen Riphô suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam. Trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, bà đã lên tiếng vạch trần tội ác của quân đội viễn chinh Pháp, ca ngợi những người Việt Nam yêu nước kiên quyết cầm vũ khí chống kẻ thù xâm lược.
Đến với phần IV của cuốn sách, độc giả được tìm hiểu một số tài liệu về Bác do chính tác giả dịch. Qua đó, giúp mỗi người hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những tình cảm và sự đánh giá của bạn bè thế giới đối với Bác, một con người vừa giản dị, vĩ đại nhưng cũng rất gần gũi. Đúng như nhà thơ Nga Mandelstam I.E từng nhận xét “Từ nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có thể là một nền văn hóa tương lai”.