Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954), có một sự tích anh hùng: ngành Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng nước ta đã xây dựng được một khu công nghiệp luyện gang trong rừng sâu Thanh Hóa, thí nghiệm và sản xuất thành công. Luyện gang từ quặng sắt là một công cuộc hoàn toàn mới mẻ. Nước ta lúc đó chưa có công nghiệp luyện kim. Ngành Quân giới Việt Nam ra đời vào lúc cách mạng vừa mới thành công, chính quyền nhân dân còn non trẻ mà nền kinh tế còn rất lạc hậu, chúng ta không có sơ sở vật chất cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí. Ngành Quân giới phải chủ động khắc phục muôn vàn khó khăn để sản xuất ra vật liệu (như gang, hóa chất…) phục vụ cho chế tạo vũ khí đánh giặc. Tinh thần đó thể hiện trong việc xây dựng lò cao Như Xuân ở Thanh Hóa trong những năm 1949 – 1954 để thí nghiệm và sản xuất ra gang là vật liệu rất cần thiết cho sản xuất súng, đạn, địa lôi, mìn, lựu đạn… Vì vậy, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số tư liệu nhiều người chưa biết và bài viết về lò cao Như Xuân trong tập sách này để tri ân các kỹ sư, cán bộ và công nhân quân giới đã từng làm việc tại đây đồng thời tri ân nhân dân Thanh Hóa nhân dịp lò cao này được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, với tên gọi Lò cao NX3 (Lò cao kháng chiến Hải Vân) xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.