Cuốn sách Sự minh định của địa lý của tác giả người Mỹ Robert D. Kaplan được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2012 (New York, Random House, 2012) với phụ đề đầy đủ là Bản đồ nói với chúng ta điều gì về những cuộc xung đột sắp tới và cuộc chiến đấu chống lại số phận, tái bản vào năm 2013 có bổ sung thêm một Lời bạt quan trọng với tiêu đề Biên giới thay thế cho ranh giới.
Là giáo sư tại Học viện Hải quân Annapolis, R. Kaplan cũng là thành viên của Hội đồng Quốc phòng Hoa Kỳ từ 2009 đến 2011. Sự trải nghiệm và kinh nghiệm của ông với tư cách một nhà báo trên khắp các nẻo đường thế giới cùng những hiểu biết trong lĩnh vực Khoa học Chính trị đã giúp ông trở thành một chuyên gia về địa chính trị thường xuyên được Lầu Năm góc tham khảo ý kiến.
Trong cuốn sách, đầu tiên, tác giả điểm lại lý thuyết địa chính trị của Alfred Thayer Mahan, Halford J. Mackinder và Nicholas J. Spykman. Tác giả nêu ý kiến: ngày nay người ta không còn có thể khẳng định rằng chiều kích địa lý đã không còn ý nghĩa, như có người đã từng khẳng định sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. Theo ông, thực ra địa lý chưa từng bị bỏ qua, nhưng dường như nó đã bị lãng quên và ai đó đã đưa ra định đề, theo đó việc cho rằng công nghệ đã xóa bỏ địa lý chỉ là một ý kiến mơ hồ. Tuy nhiên, tác giả cũng cảnh báo về mối nguy của việc suy tôn quá mức vai trò của địa lý, bởi vì tuy nó có ảnh hưởng đến các sự kiện, nhưng theo cách xác suất, tức là không hoàn toàn quyết định được chúng.
Tiếp đó, R. Kaplan nhấn mạnh một nội dung mang tính luận giải độc đáo những đặc điểm của nước Nga và người Nga. Theo ông, do không có những đường biên giới biển ấm và ổn định, nên nước này rơi vào tình thế không yên ổn với các nước láng giềng. Đã mấy trăm năm nay, nước Nga mơ ước sở hữu những cảng biển nước ấm, không bị đóng băng về mùa đông…, mà có lẽ quân cảng Sevastopol cũng nằm trong số những giấc mơ ấy. Một nhận xét mang tính Quyết định luận khác, nhưng cũng đáng được suy ngẫm, là ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu lục địa khắc nghiệt và hình thể của lãnh thổ đối với tính khí người Nga và lịch sử nước Nga.
Ở phần tiếp theo, cuốn sách trình bày một vấn đề nóng hổi của thời đại, được nhìn từ cách tiếp cận theo dài hạn, dồn nén trong một chương duy nhất dài 36 trang: “Braudel, Mexico và tầm nhìn chiến lược”. Theo quan điểm này, các lực gây tác động của địa lý hợp sức tạo ra những khuynh hướng lớn trong lịch sử đôi khi diễn ra suốt nhiều thế kỷ. Vận dụng luận thuyết với khái niệm dài hạn, tác giả tìm cách giải thích rằng Hoa Kỳ đang bị đe dọa bởi Mexico và 111 triệu cư dân của nó.
Xuyên suốt cả công trình này, R. Kaplan nhắc nhớ không ngừng và tuyên truyền cho một khái niệm rất kinh điển về địa lý và hoàn cảnh địa lý, bao gồm những sự kết hợp khác nhau của mấy yếu tố chủ chốt là không gian, hình thể địa hình, vị trí theo vĩ độ, và trùm lên tất cả là khung cảnh tự nhiên được thể hiện qua các bản đồ tự nhiên. Đó là hai khái niệm gắn bó chặt chẽ với nhau: vai trò của hoàn cảnh địa lý theo hướng Quyết định luận địa lý và vấn đề địa chính trị thể hiện qua cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các quốc gia, các cường quốc và các vùng địa chính trị.
Dường như tác giả muốn cố kiểm tra xem liệu các thuyết về Vùng đất Trái tim Đại lục Á-Âu (Heartland trong sơ đồ Mackinder), về Miền Duyên hải phía nam Đại lục Á-Âu (Rimland trong sơ đồ Spykman) và về Sức mạnh Biển trong sơ đồ Mahan có còn phù hợp để vận dụng cho những vùng miền địa chính trị chủ chốt của hành tinh chúng ta trong thế kỷ XXI, nhất là gắn với vòng cung nóng bỏng vì khủng hoảng từ vùng đất Maghreb tới tiểu lục địa Ấn Độ và châu Á nói chung.
Cuốn sách này đã tạo cớ để mở ra một cánh cửa cho sự phê phán. Phần cuối công trình có nội dung gây tranh cãi nhiều nhất, rất điển hình cho một dạng suy lý về địa chính trị. Nó được đón nhận rất khác nhau.
Henry Kissinger thì coi đây là “một cuốn sách kỳ diệu”, trong khi các tác giả trường phái Pháp thì có khuynh hướng phê phán, chê bai, thậm chí có người không ngần ngại cho rằng đây là một mớ những điều mâu thuẫn! Đánh giá sau cùng thế nào xin dành quyền phán xét cho bạn đọc.