Nhìn lại 30 năm kháng chiến trường kỳ, có ngàn vạn người dân lấy cuộc sống đời thường cống hiến tất cả cho Tổ quốc và cách mạng. Họ không phải là người chiến sĩ cảm tử, chẳng có trọng trách hay cương vị vinh hiển gì được giao phó; họ chưa từng được huấn luyện bởi một giờ nơi quân trường, cũng không một lần nói lời thề tử vì đạo cho một tôn giáo nào… Họ chỉ là những người dân bình thường, nhưng khi cần, thì mỗi con người ấy lại trở thành một thần dân yêu nước kiên cường và dũng cảm; thậm chí họ chỉ là những người phụ nữ bình dị, thật thà, chất phác, mà khi hữu sự lại ứng xử và hành động chẳng kém cạnh người chiến binh oai hùng chốn ba quân.
Người phụ nữ Lê Thị Lan trong câu chuyện này chẳng hạn, có chồng và sinh con, mấy lần một mình vượt cạn, tần tảo mưu sinh trong thời chiến, một nách 5 con vẫn hoạt động, không chịu nô lệ bất công, chỉ mong ước quê hương thanh bình tự do giải phóng… Nhưng tại sao có thể vượt qua được bao gian nguy trong những ngày chiến tranh trường kỳ ấy? Đọc lá thư gửi con trai út du học ở Nga ngày hòa bình, mới thấy xuyên suốt cái nguyên do của lẽ phải thế, khi Bà nhắc và dặn con rằng: “Như lúc mẹ con ta sống ở Long Hoa - chắc con còn nhớ, nhà nghèo nàn, vừa cô độc, vừa phải đối phó với kẻ thù, vừa phải lo từ manh áo chén cơm cho các con… Thế mà má vẫn nhìn cuộc đời má đang sống vẫn tươi sáng và đẹp lạ lùng; nên má lúc nào cũng vui cười với mọi người xung quanh. Họ chẳng bao giờ thấy má buồn. Tại sao má lúc đó an tâm vui sống với hoàn cảnh xa xứ như thế ? - Vì má sống có mục đích. Nay má tin con của má cũng như thế, có thể hơn thế nữa” (Thư ngày 1-11-1980).
Thế đấy, người phụ nữ bình dân ấy đã sống trong thời chiến đầy ân nghĩa với những tấm lòng cưu mang; sống cuộc đời người vợ - người mẹ chỉ mải lo lắng cho cha mẹ, chồng, con, mãi sống có mục đích vị nhân, vị nghĩa, vị tình, vị tha. Người phụ nữ ấy chính là hiện thân của sự thống nhất người công dân với quê hương - gia đình - Tổ quốc, hiện thân của người cán bộ cách mạng hoạt động công khai trong vùng địch hậu, thậm chí ở ngay giữa sào huyệt của kẻ thù những năm kháng chiến trường kỳ; cũng là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam mang trong mình phẩm chất vàng như Bác Hồ đã tôn tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Đọc Hồi ký Sống trọn tình dân ta không chỉ cảm phục người phụ nữ miền sông nước Sóc Trăng lặn lội trong thời chiến tranh gian khổ cực nhọc, mà còn nhận ra cả một không gian cuộc chiến có bao người hậu duệ của “dân ấp dân lân mến nghĩa” xưa, nay chẳng chịu sống bên lề cuộc chiến chính nghĩa của đất nước và dân tộc, đã xả thân theo cách của một người dân yêu quê hương đất nước, sống và hoạt động cách mạng trong lòng địch, trọn tình vẹn nghĩa với Đảng, với cách mạng, với tất cả những người yêu thương.
Mấy trăm trang ghi chép lúc rảnh rỗi từ những ngày gian khổ thời chiến - là cả một cuộc đời đi qua chiến tranh bao hiểm nguy với ranh giới cái sống - cái chết thật mỏng manh, cũng là cả một cuộc chiến tranh in đậm vào đời người, vào mỗi gia đình, mỗi số phận. Cứ xem trong mỗi chặng của hành trình hơn 20 năm ấy, thấy bao nhiêu mốc đáng nhớ như là những kỷ niệm khó quên: I. Ngày trở về. II. Vọt lên Sài Gòn. III. Ở Long Hoa. IV. Những ngày trông đợi. V. Hạnh phúc. VI. Tiếng nấc nghẹn. VII. Quê hương ngày vui. VIII. Dặn con. IX. Nhớ mãi. Đó có thể là chấm phá về những gian truân của người hoạt động bí mật, âm thầm, làm đầu mối thông tin nắm bắt tình hình giữa vùng địch hậu với vùng căn cứ, từ đô thành tới miệt thôn quê, từ đất liền ra Côn Đảo… Nhưng, điều dễ nhận ra nhất, thực tế nhất và sinh động nhất ở đây, vẫn là hình ảnh người phụ nữ trẻ trung mà năng động, tháo vát và chịu thương chịu khó, sống thật tình cảm và có lối ứng xử thông minh, luôn lo toan và đầy tinh thần trách nhiệm… Rõ ràng, hoàn toàn không phải mẫu người “Quanh năm buôn bán ở mom sông” (như trong thơ Tú Xương) - Người phụ nữ ấy đang hoạt động trong lòng dân, lúc công khai, lúc bí mật, khi bình thản, khi hiểm nguy, mà vẫn “Nuôi đủ năm con với một chồng”, thật tài tình và thuyết phục. Cứ nghĩ bây giờ lớp con cháu giỏi giang mấy cũng khó mà so sánh với Bà như thế.
Cuốn hút theo câu chuyện thật thà giản dị đến lạ thường, lại thấy cả cái mộc mạc chân thành của lời ăn tiếng nói, người phụ nữ chân quê phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Thực ra, khi xem kỹ mấy lá thư trong thời bình gửi cho con ở xa (như những di bút quý báu), mới thấy Bà đã mãn nguyện lắm rồi khi quê hương được giải phóng, không muốn đòi hỏi gì hơn khi chồng con và bản thân mình đã góp được chút gì đó cho ngày vui sum họp non sông. Về với cõi vĩnh hằng lúc mới qua tuổi tri thiên mệnh, các con đang thực hiện tâm nguyện của Bà muốn nên người phải có học, phải là người có ích cho xã hội. Bà có những trang viết không phải để làm sách hay hồi ký cho đời, chỉ để dặn con cháu vậy thôi; và con cháu nay lại dặn các thế hệ nối tiếp, mỗi khi lật trang sách viết của Bà hãy sống xứng đáng hơn với Người đã khuất.
Hy vọng rằng, những trang hồi ký này không chỉ là kỷ niệm một cuộc đời, một con người trong gia tộc, còn được hiểu thành lối nhân cách hóa một thế hệ, một thời của đất nước, từ hôm qua để lại cho hôm nay với ngày mai.