Trong bộ phận văn học thiểu số Việt Nam hiện đại, nhà thơ Y Phương có một vị trí đặc biệt. Ông không chỉ là một nhà thơ tài năng từng đạt nhiều giải thưởng cao của thơ ca Việt Nam hiện đại mà còn là tác giả của những tản văn đặc sắc, chiếm được tình yêu và sự mến mộ của đông đảo độc giả. Sóng tiếng Tày là tuyển tập những bài tản văn tiêu biểu của ông.
Có thể nói bản sắc văn hóa Tày đặc sắc như một “tầng vỉa” nằm sâu thẳm trong mạch nguồn cảm hứng của Y Phương. Và “tiếng Tày” dường như là thứ luôn khiến ông tự hào, nâng niu và chau chuốt. Mỗi bài nhỏ trong Sóng tiếng Tày đều như minh chứng cho điều đó, và còn khẳng định một điều: Y Phương là người sử dụng tiếng Tày vô cùng nhuần nhuyễn. Ông biết Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt, nên tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng sắc thái Tày vẫn thể hiện rõ. Y Phương có biệt tài dùng những từ ngữ sóng đôi vừa Việt, vừa Tày làm cho ý nghĩa của tiếng Việt khái quát, mở rộng hơn, vượt qua ý nghĩa ban đầu bởi đã pha thêm nghĩa của tiếng Tày, tâm hồn Tày, văn hóa Tày.
Qua Sóng tiếng Tày, Y Phương không chỉ biểu hiện tình yêu và lòng tự hào, ý thức bảo lưu, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà còn gián tiếp chứng minh cho một chân lí: Không có một nghệ sĩ lớn nào ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào lại không được nuôi dưỡng và lớn lên từ “dòng sữa” ngọt ngào là truyền thống văn hóa mang tính dân tộc của anh ta. Chính truyền thống văn hóa đặc sắc của từng dân tộc sẽ trở thành “hộ chiếu” văn hóa để mỗi nhà văn đi ra thế giới.
Một số bài trong tuyển tập: Bán chữ nuôi thân, Sông bơi đi đâu sông ơi, Tết Tày có gì khác, Con đường rừng ngày mưa lũ…