Ra biển lớn tập hợp những bài viết của Hữu Thọ trong giai đoạn đất nước ta đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đằng sau những bài viết ấy, là một tấm lòng đầy trăn trở vì dân, vì nước, một “bộ óc” phân tích vấn đề sâu sắc và một “con mắt” quan sát tinh nhạy.
Ngay trong bài viết đầu tiên: Nghĩ về thời cơ phát triển, trước phân tích của nhiều tác giả về thời cơ mới - thời cơ sáng chói của cách mạng Việt Nam, Hữu Thọ thể hiện tâm trạng vừa mừng, vừa có phần ngại ngùng và cho rằng cần phải đọc kỹ và suy ngẫm! Tâm trạng ấy một lần nữa được ông bày tỏ trong một bài viết ở đầu cuốn sách khi cho rằng, sống những ngày cuối năm Bính Tuất 2006, không chỉ không khí hồ hởi mà còn có phần chen lẫn say sưa lan tràn, khi tiếp sau thắng lợi của Đại hội lần thứ X của Đảng là những sự kiện đối ngoại lớn làm phấn chấn lòng người. Có người nói tới Việt Nam như một “con hổ trẻ” trong tương lai gần, Hữu Thọ thì “trong lòng tôi thực sự vừa vui mừng vừa có phần ngại ngùng. Ai chẳng mừng khi thấy vị thế của Việt Nam được nâng cao trên thế giới, được bạn bè đánh giá trân trọng. Riêng tôi, bên cạnh niềm vui lớn có phần e ngại khi cái từ “con hổ trẻ” hay được nhắc đi nhắc lại như tiếng đàn du dương bên tai, vì kinh nghiệm lịch sử cho thấy những lời to tát về một tương lai dễ ru ngủ con người, mặc dù ai cũng thấy mừng vui về tương lai của đất nước như thế. Dù tương lai là những gì sẽ đến, có khả năng đến chứ chưa phải là hiện thực. Chính vì thế mà cứ đọc, cứ nghe, nhưng rồi cứ phải suy ngẫm”.
Chúng ta hãy cùng suy ngẫm và đọc kỹ những nhận định rất đáng nghe của ông về người tài trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí: “… người ta thường tập trung vào ba loại người tài… Loại thứ nhất là, những tài năng luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ… Loại thứ hai là, những người luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Loại thứ ba là, người luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách sáng tạo, đạt hiệu quả cao và sức sáng tạo có tính phổ quát, trở thành tài sản của nhiều người với sức lan tỏa xã hội rất rộng, có thể ở tầm quốc gia hoặc cả thế giới… trong xã hội hiện nay có cả ba loại người tài này. Tuy nhiên, loại thứ ba rất hiếm… Muốn phát hiện người tài phải hết sức công bằng và công tâm”. Và theo như đánh giá sắc sảo của ông: “người tài rất hiếm, không phải là số đông nhưng lại ở trong số đông” thì thấy rằng, phát hiện và sử dụng người tài - yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế - là một công việc không hề đơn giản và còn lắm gian nan.