Quẩn quanh trong tổ gồm 11 phần chính, mỗi phần được bắt đầu bằng thơ của Lưu Quang Vũ (là chủ yếu), Aziz Nesin, Cung Trầm Tưởng, tiếp đó là những câu chuyện lan man của nhân vật “anh” nói với “em”, hướng vào nhiều vấn đề xã hội lớn với cái nhìn giễu cợt và nghiệt ngã, Ở trong đó, nhân vật “anh” đại diện cho lớp người ở giữa hai thế giới đối nghịch: “cùng khổ” và “thỏa mãn”. Đây là một cuốn sách có chiều sâu.
Vấn đề mà tác giả đề cập tới khá rộng nhưng vượt lên vẫn là sự cảnh tỉnh về một Việt Nam cơ cực, lạc hậu, chứ không “hạnh phúc nhất thế giới” như người ta tưởng; cảnh tỉnh về thái độ ngày càng bàng quan của con người với những kẻ bất hạnh xung quanh mình, về sự phù phiếm của truyền thông...
Cuốn sách hẳn sẽ làm nhiều người tò mò. Không phải tiểu thuyết, vì nó không có cốt truyện, không có những tình tiết giật gân đan xen, cũng không có những cô nàng chân dài yêu những anh chàng chân ngắn đại gia bụng to ăn “phở” nhiều và sau đó cô gái tự nhiên bị bệnh máu trắng…Cũng không phải là tản văn, vì nó không buồn miên man cái nỗi buồn xa xôi của một tâm hồn rung động như cánh phù du bay như dơi quạ trong ánh chiều chập choạng. Lại càng không phải truyện ngắn, vì suy cho cùng từ trang đầu đến trang cuối thì nó cũng hơi dài.
“Cả cuốn sách ngồn ngộn những ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ vỉa hè, những bài hát cải biên…Mà sao giễu cợt đắng ngắt, gây buồn ngay ở những câu khiến người ta lăn ra cười” (trích lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư).