Trước bối cảnh mới, để phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước, tăng cường tiềm lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, tạo điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, một yêu cầu tất yếu, khách quan đặt ra cho cả hai nước là không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện và nâng lên tầm quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (ngày 22-4-2009). Thực tế đã chứng minh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không chỉ được mở rộng, phát triển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục... mà nhiều lĩnh vực vốn rất nhạy cảm như chính trị, an ninh, đối ngoại... cũng đã được hai bên rất quan tâm và bước đầu thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Những thành tựu đó không những tạo cơ sở trực tiếp làm gia tăng sức mạnh của mỗi nước mà còn đóng góp không nhỏ vào tiến trình xây dựng một Cộng đồng Đông Á thống nhất, hòa bình, ổn định và phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu sự vận động, những biến chuyển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau chiến tranh lạnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng thời đây cũng là một đóng góp nhất định đối với việc nghiên cứu về quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới hiện nay. Xuất phát từ những nhận thức trên cuốn sách Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau chiến tranh lạnh làm rõ thực trạng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực (chính trị, đối ngoại, kinh tế và các lĩnh vực khác) từ năm 1991 đến năm 2012 và đưa ra dự báo triển vọng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, qua đó đề xuất một số kiến nghị mang tính định hướng nhằm giữ vững, xây dựng và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.