Trong mối bang giao hữu nghị giữa Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, nổi lên mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ, mà người đã đặt nền móng vững chắc cho nó không ai khác chính là hai “nhân vật kiệt xuất” đã được UNESCO ghi nhận trong Nghị quyết 24C/18.6 năm 1987 là Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru. Ấn Độ là một quốc gia Nam Á, nước đông dân thứ nhì trên thế giới, với dân số trên một tỷ người, có nền văn minh sông Ấn (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5.000 năm và là nơi khai sinh ra bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, đạo Jaini và đạo Sikh. Ấn Độ là thuộc địa của thực dân Anh. Còn Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Việt Nam đã giành được độc lập với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai năm sau, vào ngày 15- 8-1947, nước Cộng hòa Ấn Độ được thành lập, đánh dấu đỉnh cao cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Á thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Anh. Cùng cảnh ngộ nước châu Á bị thực dân áp bức, bóc lột, dù thực dân Anh hay là thực dân Pháp, có lẽ vì một phần như thế chăng mà Hồ Chí Minh đã sớm có mối cảm tình đặc biệt với đất nước Ấn Độ.