“Thực là nghiệp chướng! Cha bỏ tù con, anh em oán ghét nhau, vô phúc quá!...
Và bây giờ – Trâm nghĩ… – con chồng ăn ngủ cùng dì ghẻ…, anh bắt em đi tù…, rồi thì mẹ góa, con lại góa theo sau khi đã giết bỏ một hài nhi vô tội… Chao ôi, còn gì nữa, hả trời!”
Được coi là cuốn sách đầu tiên in ở Hà Nội kể từ sau khói lửa chiến tranh bùng lên năm 1946, Quán gió của Ngọc Giao đã ghi nhận sâu sắc và ngay lập tức một giai đoạn đang đi vào đổ vỡ không lối thoát. Ly tán tha hương, oán thù ruột thịt, gá ghép cuộc đời với những trớ trêu của số phận, những kiếp người nhỏ nhoi và bơ vơ trong cơn bão tố lịch sử kia có thể tìm được gì ở cõi sống “phù trầm thảm khốc” này? Với Ngọc Giao, ông đặt niềm tin vào lòng nhân ái của con người, là chút nghĩa yêu thương nơi quán gió, bến mưa, bởi “tấm lòng yêu thương há chẳng là một cái gì cao quý nhất đó ru!”
“Quán gió làm người đọc một lần nữa nhận ra văn chương luôn có thể bổ khuyết những gì mà lịch sử đã không nói. Nó, vì thế, thực sự là một cuốn tiểu thuyết trắc ẩn và can đảm.”
- Trần Ngọc Hiếu
“Lại nhớ đến Murakami, mượn lời một nhân vật của mình để nói cái ý rằng văn chương mà vẫn được in sau một thời gian dài mới thực là đáng đọc. Những tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn của Ngọc Giao, sau hơn nửa thế kỷ bị lãng quên, nay lại được công chúng phát hiện và yêu mến, thật là một sự đáng mừng. Những lý do của việc này, chắc bạn đọc cũng tự biết, và sẽ lại thấy rõ hơn khi đọc Quán gió.”
- Dịch giả Trịnh Lữ