Đọc Pơ Thi, độc giả ngay lập tức cảm nhận được nhịp sống phong phú, đa màu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của ngày hôm nay. Thông qua những lễ hội dân gian độc đáo của dân tộc Jrai, đặc biệt là “pơ thi” - lễ bỏ mả, nhà văn đã khắc họa rõ nét đời sống tâm linh của tộc người này, từ đó tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống cũng như cuộc sống hiện tại của người Jrai. Qua những biến đổi trong gia đình già Duch - một gia đình có nhiều thế hệ sống chung trong một mái nhà, Pơ Thi phản ánh việc phá hoại rừng, chảy máu tài nguyên, lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề khác trong đời sống hiện nay.
Pơ Thi nói nhiều về rừng và các số phận liên quan tới rừng. Chính tên các chương trong tiểu thuyết đã nói lên điều đó, như: Thiên đường xanh, Biến đổi, Hoa rừng, Đại ngàn, Nơi không rừng, Tiếng rừng… Đọc Pơ Thi, người ta thấy ngoài sự am tường về văn hóa, phong tục tập quán Jrai còn thổn thức một tấm lòng yêu thương gắn bó, sẻ chia của tác giả với cộng đồng này.