Phượng Ca
Sau lưng mỗi người có một quãng đời mà người ta gọi là ngày xưa. Đối với tôi, ngày xưa là những tháng năm được học bậc trung học thơ mộng. Những năm học ấy thật đáng yêu, thật hồn nhiên. Đáng yêu và hồn nhiên bởi đây là giai đoạn chuẩn bị cho mỗi chúng ta bước vào đời.
Tôi yêu ngày xưa của tôi dù tuổi thơ ấy chưa thật sự được bằng an và hạnh phúc. Bây giờ ở cái tuổi vào chiều, tôi nhìn lại tuổi thơ và thật sự không nghĩ ra mình đã bắt đầu vào đời như thế. Quả nhiên, thuở vào đời thật có nhiều điều đáng nhớ và đáng được chia sẻ với mọi người.
Quyển sách này khởi đầu từ bài viết đầu tiên đăng trên Mực Tím. Tôi đã nghĩ đến việc ghi lại những dấu ấn đáng nhớ trong tuổi vào đời của mình. Thời gian trôi qua mấy chục năm, những đau khổ và hạnh phúc trên đường đời cũng nhiều nhưng không thể xóa nhòa được ký ức. Tôi đã cố gắng lục lọi những trang rời trong miền ký ức, trong cả khu vực vô thức vốn từ lâu ngủ yên, để viết lại thành quyển hồi ức này. Tôi gọi nó là Phượng ca.
Quyển sách viết ra cho các bạn học sinh trung học. Ngày nay, cái học, cái vui chơi của các bạn có thể khác cái học, cái vui chơi của chúng tôi ngày xưa, nhưng tựu trung, mỗi đời người chúng ta đã trải qua một thời trung học thú vị. Trong tập sách này, có những trang viết tỏa rạng niềm vui rực rỡ; có những trang viết nỗi đau chi xiết mênh mông. Nhưng ngay trong niềm vui hay nỗi đau, tôi vẫn cảm thấy cái hạnh phúc kỳ diệu khi được sống và làm người. Bởi chỉ có con người mới cảm nhận được những trải nghiệm ấy.
Tôi đi trên đường đời, cầm một đóa hoa mà không biết gửi về đâu, tặng ai. Thôi thì hãy gửi tặng ngày xưa thân ái của chúng ta, của tôi và của các bạn - thời phượng ca của mỗi chúng ta. Tôi mường tượng ra có chỗ sẽ khiến bạn cảm thấy se lòng, có đoạn sẽ làm bạn bật cười ha hả khi đọc quyển sách. Đó là sự chia sẻ. Tôi xin cám ơn bạn.
Bạn có về đất Quảng Nam, xin ở lại miền đất ấy một thời gian. Phía Tây là núi cao vời vợi, phía Đông là biển xanh màu ngọc biếc. Dòng sông Thu băng qua bao nhiêu ghềnh thác, nối núi non với đồng bằng. Cuối sông Thu là thành phố Hội An - một thành phố hiền triết và thơ mộng, di sản văn hóa vật thể của thế giới. Trái tim tôi lớn lên giữa thành phố Hội An, trong màu rêu xanh của phố cổ đó.
Quyển sách này hé mở một phần tâm hồn của một người Quảng Nam, trưởng thành từ Hội An.
Thân ái,
Vũ Đức Sao Biển
Tân Thới Nhất, tháng 4 - 2018
-----
Giới thiệu các đoạn trích:
“Tôi không gọi đó là tình yêu. Tôi cũng không gọi đó là tình bạn thuần túy. Nó kết tinh lóng lánh, vượt lên trên cả tình yêu và tình bạn. Nó là chất ngọc của đời người. Tôi gọi đó là sự hòa quyện những cảm xúc trong sáng nhất, ban sơ nhất của mỗi đời người chúng tôi. Nó thoáng qua ngắn ngủi như có như không giữa đời người nhưng thật cao đẹp và thuần khiết. Nó làm nên tâm hồn tôi, dĩ vãng tôi. Nó đóng dấu hình tượng bạn vào tâm hồn tôi, mãi mãi một đời.”
“Tôi đã đi qua những trời mây trắng, những rẻ rúng phụ bạc của cuộc đời. Tôi nhận ra một điều: Cái học và kiến thức đắc thủ từ cái học làm nên nhân cách, làm nên giá trị của con người.Thí dụ nhờ học một chút đạo học phương Đông mà tôi hiểu ra cái dũng là sức mạnh tinh thần của con người biết tự thắng mình; cái cường chỉ là sức mạnh cơ bắp thắng được người khác. Tôi tiếc là những năm ra đi làm việc, không còn có cơ hội học nữa. Tôi đành học trong sách vở. Mấy chục năm đều thế, ngày nào tôi cũng đọc trên một trăm trang sách và càng đọc, càng thấy ra những điều mới lạ dù là từ một cuốn sách rất cũ.”
- Trích Tôi thành nhạc sĩ
Có một lần, tôi rủ bạn đi chơi. Ngày ấy, tôi đã đậu tú tài 1 và bạn đã đậu trung học. Lạ thay, giữa biển dâu xanh ngát không hiểu sao lại mọc lên hai cụm glaieuil (hoa lay ơn) thật đẹp. Tôi hái hoa tặng bạn. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời, tôi tặng hoa cho bạn. Chúng tôi nắm tay nhau. Bàn tay của bạn đẹp lạ lùng.
Có một lần, bạn ngồi, mái tóc dài xõa qua một bên, đôi mắt mơ màng, nghe tôi hát những bài tình ca với cây đàn guitare. Bạn chỉ nói: “Ngày sau nếu trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát nghe”. Tôi hứa: “Anh sẽ viết tặng em một bài”.
Tháng 9 mùa thu, màu sim tím nở rộ thật lãng mạn nhưng chỉ còn mình tôi với sông Thu, đồi sim và tháp cổ. Tôi thật cô đơn và nhớ bạn biết bao nhiêu. Nhớ lại những lời bạn từng dặn: “Đừng bao giờ bỏ em một mình nghe” và “Ngày sau nếu trở thành nhạc sĩ, anh nhớ viết cho em một bài hát nghe”, tôi trải tờ giấy viết nhạc lên thùng đàn và viết:
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…
Ca khúc Thu, hát cho người đã ra đời như thế.
Âm hình của ca khúc thật đẹp; kết cấu của hành âm rất cổ điển, đúng quy chuẩn của nhạc pháp Tây phương. Đặc biệt, đoạn Coda biến hóa lung linh, tạo cho bài hát phong vị vừa cổ điển vừa hiện đại. Chút tình cảm ngày ấy trong sáng quá, long lanh quá, lại đứng giữa tình bạn và tình yêu nên ca khúc hồn nhiên một cách lạ lùng:
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương.
Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín,
Một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay.
Rồi trong mạch nguồn cảm hứng đó, tôi viết Chiều mơ.
Bài hát cung Sol trưởng, vẫn là hình tượng của bạn xưa:
Chiều mơ, anh trở về từ đèo cao hút gió;
Có hoa xưa chờ người xưa đó.
Chiều mơ, anh thấy em buông tóc bên trời;
Buồn một mình trên tuổi xuân phai.
Chiều mơ, anh cầm đàn về bờ xưa suối biếc;
Hát em nghe ngàn lời thương tiếc.
Tình em, anh hứa muôn đời vẫn tôn thờ;
Dù ngày về chỉ có chiều mơ.
Năm 1968, Thu, hát cho người và Chiều mơ được hai danh ca Anh Ngọc và Hà Thanh hát với hòa âm của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng trên Đài Phát thanh Sài Gòn.
Sau đó là tiếng hát của các ca sĩ Lệ Thu, Mai Hương, Vân Hà, Vân Quỳnh, Ngọc Long, Phượng Bằng… Hai bài hát vụt nổi tiếng. Năm 1971, các ca khúc của tôi được in ra lần đầu tiên tại Sài Gòn. Đặc biệt, Thu, hát cho người trở thành một trong những khúc tình ca kinh điển của mùa thu và làm nên thương hiệu của tôi. Tôi trở thành nhạc sĩ có tác phẩm để đời ngay trong tuổi hai mươi.
Cám ơn bạn của ngày xưa! Em đã biến tôi trở thành nhạc sĩ. Em đi đâu, về đâu? Tôi viết cho em không chỉ một bài, mà cả chục bài: Chiều mơ, Đường về, Cõi tiêu dao, Người xưa, Phượng ca, Phố Hoài, Đôi mắt… Bởi lòng tôi vốn yêu cái gì trong sáng nhất, hồn nhiên nhất.
Mà em là con người tiêu biểu cho tố chất trong sáng và hồn nhiên ấy. Và bởi tôi muốn thực hiện với em lời hứa đã từng được núi rừng, đồi sim, tháp cổ, dòng sông và phố thị làm chứng cho tôi.
Trích Làng tôi
Tôi sinh ra giữa thời bom đạn tang thương; quê nhà đói nghèo; phương tiện chăm sóc y tế hoàn toàn không có. Thân thể tôi gầy gò. Thời thơ ấu sống giữa làng biển ở Tam Kỳ, tôi bị những trận đau ốm triền miên mà không có thuốc men chữa trị. Tôi sống được trên đời như một phép lạ.
Tôi lớn lên trong không gian xanh của làng quê, hồn nhiên như cỏ như cây. Chúng tôi ngày ấy không có ai được làm khai sinh. Tám tuổi, tôi mới được đi học. Ngày xưa ở Tam Kỳ, người ta chưa làm trường học, con em chưa dám đi học vì sợ bom đạn của người Pháp. Cho nên trở về làng, tôi đi học trễ. Hễ trễ thì phải học nhảy lớp. Tôi học bốn năm, xong bậc tiểu học mới được làm thế vì khai sinh, được dự thi vào lớp đệ thất (1) trường trung học Trần Quý Cáp năm 1959.
Tôi yêu thương cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Tôi biết gia đình mình đã trải qua những khổ nạn, đau đớn trong chiến tranh. Tôi còn là trẻ con cũng phải gánh chịu, chia sẻ một phần những khổ nạn, đau đớn ấy. Tôi biết gia đình mình nghèo nên học rất chăm chỉ.
Từ năm mười một tuổi, tôi phải xa làng, đi học ở Hội An. Từ năm mười ba tuổi, tôi đã tự lo cho mình, không tiêu tốn một đồng bạc nào của cha mẹ. Tôi tự hào vì biết mình phải tự lập sớm. Và nhờ sống tự lập sớm nên tôi khá tự tin trên đường đời sau này, ngay trong những tháng ngày gian nan nhất. Những năm học trung học ở Hội An là những năm thơ mộng nhất của đời tôi.
Bây giờ, tôi đã là một ông già, cứ hoài niệm quá khứ. Tôi thương yêu bà con làng tôi, những con người hiền lành chăm chỉ một đời lo vất vả kiếm sống. Nhiều năm qua, vào ngày mồng 9 Tết âm lịch, tôi trở về làng, làm một show diễn quyên góp tiền giúp bà con nghèo làm nhà. Tôi tự bỏ tiền ra để lo chuyện đi đứng, ăn ở cho mình. Tôi chỉ mong góp một chút công sức cùng các anh ở địa phương để kiếm được vài ba triệu đồng, chia hết cho bà con nghèo giúp họ có thể làm được một ngôi nhà mới khá hơn ngôi nhà cũ.