Phố Vẫn Gió là một bức tranh đối lập của Hà Nội, một Hà Nội Cũ trầm mặc với những ngôi biệt thự cổ, chơ vơ xa cách với một Hà Nội mới – những khu tập thể hỗn độn thời hậu chiến với những âm thanh khó nghe và những thứ mùi lạc lõng. “Gió đã vàng rồi, nắng đã lạnh rồi, một chút mơ hồ se se da thịt. Nhưng phố phường vẫn sôi lịch xịch đủ thứ âm thanh” - Phố Vẫn Gió
Nhân vật chính của tác phẩm – Ngân, người đàn bà đi giữa những mảng màu cũ và mới, cảm nhận sự hỗn loạn của những năm tháng trở mình của Hà Nội, quay quắt với những thay đổi khủng khiếp cả phần xác lẫn phần hồn của Hà Nội cũ, cũng như bất cứ ai không chấp nhận được những biến dạng đó. Người đàn bà ấy bỏ đi nhưng vẫn không bao giờ thôi không nhớ về những hồi ức tươi đẹp xa xưa
“Xung quanh tôi những mặt người hừng lên vì nỗi nhớ, râm ran chuyện cũ nhắc lại. Nhưng hỏi chuyện mới, tiếng nói cười lặng dần” – trích tác phẩm.
Xuyên suốt tác phẩm là một câu chuyện không có cao trào, cả kết thúc cũng trầm lặng như nỗi thất vọng của người đàn bà, nhưng Phố Vẫn Gió vẫn gợi lên những xúc cảm âm ỉ, day dứt cho những người đã đi cùng Hà Nội qua bao tháng năm.