Trong hệ thống các đô thị cổ Việt Nam, Phố Hiến là một đô thị có nhiều nét khác biệt, độc đáo. Nét riêng biệt không chỉ vì từ đầu thế kỷ XVII, Phố Hiến đã nổi tiếng là một nơi đô hội, tiểu Tràng An của bốn phương, đứng sau Thăng Long – Kẻ Chợ; mà còn ở sự xuất hiện, phát triển một cách rực rỡ, nhanh chóng và sau đó cũng bị mai một, quên lãng cùng thời gian.
Công trình Phố Hiến của các tác giả Nguyễn Khắc Hào, Nguyễn Đình Nhã (đồng chủ biên), Phạm Minh Thảo, Dương Thị Cẩm, Hoàng Mạnh Thắng có thể coi là công trình nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nhất về Phố Hiến cho đến thời điểm hiện tại. Các tác giả đã chắt lọc kết quả nghiên cứu từ các công trình nghiên cứu trước đó, kết hợp với các nguồn tư liệu khai thác mới từ ngoài nước, nhất là các nước phương Tây; từ kho tư liệu Hán Nôm trong nước, khai thác các bi ký, thần tích, thần phả… hiện còn tại các di tích ở Phố Hiến.
Công trình gồm 2 Quyển.
Quyển 1 giới thiệu 3 phần, gồm:
Phần I. Sự hình thành Phố Hiến, giới thiệu về: Địa hình và giao thương đường sông ở Đàng Ngoài; Lịch sử địa danh Phố Hiến; Cư dân Phố Hiến và Phố Hiến thời kỳ đại hàng hải.
Phần II. Phố Hiến thời hưng thịnh và suy tàn, tìm hiểu các mục chính: Thương mại Việt Nam thời Trung đại, Nội thương ở Phố Hiến, Ngoại thương ở Phố Hiến, Phố Hiến bước vào thời kỳ suy thoái.