Tôi nhớ trong một bản hồi ký viết về sự tiếp cận muộn màng với nhà văn Lỗ Tấn bên Trung Quốc, Giáo sư Đặng Thai Mai ghi một câu văn như một tiếng thở dài: “Lỗ Tấn đã mất rồi! Tôi đi tìm Lỗ Tấn”. Đọc câu ấy, ta thấy có sự xúc động lạ lùng. Một người uyên bác như thày Mai, đã dịch văn Lỗ Tấn để thông báo với quốc dân, đạt đến trình độ tiếp thu xuất sắc, mà cũng phải ghi lại nỗi niềm đó. Trong chúng ta, có ai có sự đồng cảm như vậy khi muốn tìm, muốn hiểu đến các nhà tiền bối trong lịch sử và trong văn chương của đất nước ta?
Có đấy! Có một người cũng là học trò của thầy Mai, đã bắt chước Thầy mà đi tìm thần tượng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Thần tượng ấy là Phan Bội Châu. Cũng là một cuộc đi tìm khi Phan Bội Châu đã mất. Ấy nhưng, con người “hậu tử” này, có thể có phản may mắn hơn thầy giáo của mình. Anh đã đi và đã đến được với Phan Bội Châu. Hiểu được và hiểu đúng thì không dám nói (vì có ai dám tự đắc như vậy), nhưng chiếm lĩnh được Phan Bội Châu thì rõ ràng là ngoài anh ra, chưa thấy một ai.