Ông chúa Đức Huệ là cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của tác giả Kwon Bee-Young (Hàn Quốc). Đây là cuốn sách viết về Hoàng nữ cuối cùng của Triều Tiên, được giới thiệu đến độc giả lần đầu tiên vào năm 2009. Ngay từ khi mới ra mắt, cuốn sách luôn đứng hàng đầu trong những cuốn sách bán chạy nhất thời điểm đó, chỉ sau năm tuần ra mắt đã bán được 80.000 bản. Tính đến ngay đã có hơn một triệu bản được bán ra.
Bộ phim điện ảnh cùng tên được dựng dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết ra mắt vào cuối tháng 8 năm 2016 thu hút gần 5,6 triệu khán giả đến rạp và đứng thứ 59 trong bảng xếp hạng những bộ phim Hàn Quốc ăn khách nhất mọi thời đại. Nhờ hiệu ứng của bộ phim, một lần nữa tiểu thuyết Ông chúa Đức Huệ lại được độc giả quan tâm tìm đọc và luôn xếp hàng đầu trong số những cuốn sách bán chạy nhất Hàn Quốc suốt tháng 9, tháng 10 năm 2016.
Vậy Ông chúa Đức Huệ là ai? Và vì sao một cuốn tiểu thuyết lịch sử – thể loại tưởng chừng như khô khan và khó đọc – lại có thể gây được hiệu ứng độc giả mạnh mẽ đến vậy?
Cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 là một giai đoạn lịch sử đầy biến động đối với toàn thế giới nói chung và các quốc gia châu Á nói riêng. Đó là giai đoạn mà nhân loại chứng kiến sự suy tàn của chế độ phong kiến, cũng như sự nỗ lực trong vô vọng của các hoàng tộc hòng cố gắng níu giữ quyền lực xưa nay vốn thuộc về mình, giờ đây bị đủ các thế lực nhăm nhe tước đoạt. Đất nước Triều Tiên và hoàng tộc Triều Tiên cũng không nằm ngoài vòng xoáy nghiệt ngã đó. Mặc dù hoàng đế Cao Tông đã để lại dấu ấn khá đậm nét bởi chí khí và lòng tự tôn dân tộc (ông là vị vua đầu tiên tự xưng hoàng đế của Triều Tiên, các vị vua đời trước chỉ xưng vương), nhưng những nỗ lực của ông cũng vẫn không thể cưỡng lại được trước xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
Trong bối cảnh ấy, những thân phận người chìm nổi theo thời thế, kể cả hoàng thất. Ông chúa Đức Huệ cũng vậy. Sinh ra với thân phận cao quý – Hoàng nữ của Hoàng tộc Triều Tiên, những tưởng cuộc đời bà sẽ ngập tràn trong xa hoa, sung sướng, nhưng thực tế lại dường như hoàn toàn trái ngược. Bà chỉ là con tốt trong ván cờ chính trị, và dù có được vua cha yêu chiều đến đâu đi nữa thì xét cho cùng, bà cũng vẫn chỉ là con gái của một vị vua bị kìm kẹp nhiều bề, không có thực quyền, hơn nữa thời điểm đó đất nước Triều Tiên lại còn đang ở trong tình thế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào một đất nước khác: Nhật Bản.
Thông qua những trang sách, cả một giai đoạn lịch sử sóng gió dần dần được tái hiện, phác ra những nét đầu tiên về cuộc đời vị Hoàng nữ cuối cùng của Triều Tiên, chân thực và sống động đến lạ lùng. Người phụ nữ ấy được sinh ra với thân phận cao quý, được nuôi dạy trong nhung lụa, nhưng rốt cuộc vẫn không thoát được kiếp sống lưu vong. Gần như suốt cả thời tuổi trẻ và những năm tháng thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời bà chỉ dành để đau đáu hướng về quê hương, về cung điện, nơi có Phụ hoàng, Mẫu hậu và Hoàng tộc thân thương. Nỗi nhớ thương vô vọng ấy đã khiến bà mòn mỏi đến gần như hóa điên, bị đưa vào điều trị nhiều năm trong bệnh viện tâm thần ở Nhật. Nhưng dù thế nào đi nữa, vượt lên trên tất cả, người phụ nữ ấy vẫn không bao giờ quên mất thân phận của mình, luôn nỗ lực để giữ mình, dù đã có lúc tạm thời cúi đầu trước lưỡi gươm nhưng trong mọi hoàn cảnh vẫn luôn kiên cường đấu tranh, không đầu hàng số phận, và luôn đau đáu hướng về cố hương.