Nước mắt Trường Sơn của Hữu Chỉnh là bản trường ca đậm chất sử thi về truyền thống hào hùng, đấu tranh bất khuất của quân và dân ta chính trong những ngày “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.Bản trường ca gồm 8 chương, mỗi chương là mỗi dòng hoài niệm của nhà thơ về những năm tháng không thể nào quên, về những gian khổ, kiên cường mà nhân dân ta đã trải qua, để cho “lương tải kịp”, “giao thông được nối liền”, để tiền tuyến và hậu phương không bị tách rời, dù cho có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”. Xen kẽ đó là những cảm xúc mượt mà về quê hương đất nước, về những điệu ru câu hò… nhưng đó cũng chính là động lực để bao lớp người không quản nắng mưa, nối theo nhau lên đường làm nghĩa lớn. Chương cuối của trường ca là lời nhắn nhủ của người “cha” đến với “con” - lớp thế hệ sau không trải qua chiến tranh, chủ nhân tương lai của đất nước, hãy luôn trân trọng và khắc ghi công ơn những người đi trước và gánh vác sứ mệnh xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu, xứng đáng với công lao mà bao lớp người đã không tiếc máu xương giữ gìn, bảo vệ.Các chương cụ thể trong trường ca Nước mắt Trường Sơn: - Đi dọc tuổi thơ - Dòng sông ngược - Thức đợi mặt trời - Miền đất giấu lửa - Võ lửa Trường Sơn - Lời ru bi đông - Văn bia tưởng niệm - Viết cho con.