“Có người hỏi tôi: "Sao bìa đơn giản thế em?"Tôi trả lời:" Chẳng phải cuộc sống ngoài kia đã có rất nhiều điều phức tạp rồi ư?"
Và tôi biết vì sao hoạ sỹ Lê Thiết Cương lại vẽ những nét hiền như thế.Bởi vì cảm xúc con người đã có những lúc nổi sóng dữ dội quá rồi.
Hiền như mắt mẹ. Và dại khờ như con. Đó là quyển sách của tôi.”
( Lê Nguyễn Nhật Linh )
“Nín đi con!” là một quyển sách dạy con. Điều đặc biệt là được viết bởi một 9X chưa làm Mẹ. Một quyển sách không quá nhiều lý lẽ mà chỉ đầy chia sẻ suy tư.
Với thiết kế ấn tượng, tông màu đen trắng nổi bật, phần mục lục được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái như những trang từ điển. Có lẽ, đối với độc giả, đây đúng mà một quyển từ điển cảm xúc. Để bất cứ lúc nào trùng khớp một tâm trạng nào, bạn có thể lật giở quyển sách và lặng lẽ vài khoảnh khắc cùng nó.
“Nín đi con!”Quyển sách giống một cốc nước lọc. Không phải trộn lẫn hương vị như sinh tố, không cần pha chế như cocktail, không đắng như cafe quên đường, cũng chẳng hề thơm ngọt như sữa. Càng không chát như bia và cay nồng rượu.
Hoặc nó giống như một nốt lặng trên khuông nhạc trắng, một mảng tường vừa quét vôi sạch tinh, một ô cửa nhỏ nhưng đủ thoáng cho tâm hồn khi bị ngột ngạt.
Một quyển sách nhẹ. Nhưng đủ sức níu giữ tâm trí để quên đi những ngày u ám. Quên cuộn sóng nếu lòng đang nổi bão. Quên cả nổi nhớ chỉ còn lại 1/2 vì tình yêu đã rời đi.
“Cảm giác thèm đọc một quyển sách hay là một trong những cảm giác rất đáng trân trọng.Ví dụ như khi con đang ở trên một con tàu đi đến thành phố nào đó, nhìn những nhánh cây chạy vút ngang qua đường ray gầy, một mảng mây lãng đãng lưng chừng trời, gió như những sợi len trong suốt, quấn chéo hàng dây điện cao thế. Dường như thấy cô đơn thấm qua tấm cửa kính đục, trên hành trình một mình, điện thoại hết kiệt pin.Thèm đọc một quyển sách đến hồi hộp. Lặng ngồi ôm một quyển sách trong lòng bàn tay và đọc nhấm từng chữ cái. Thời gian cứ thế nhỏ giọt.Cái thứ ham muốn để vân tay chạm vào lớp giấy nhẹ tênh, vàng nhạt và mỏng dính, còn thoảng thoảng nguyên mùi gỗ thơm. Như đang đứng trên đồi, nghe lá hát ngọt ngào đôi môi vậy...”(Trích từ khoá “Đọc sách” trang 101-102)
Có lẽ, “Nín đi con!”cũng là một quyển sách gây cảm giác thèm đọc đúng như Nhật Linh đã viết.