Ngôn ngữ là một phương tiện để diễn tả đạo lý, nhưng thể thật của đạo thì vượt ra ngoài ngôn ngữ và tất cả ý niệm. Vì vậy, một khi chúng ta liễu tri được nghĩa chân thật của đạo thì lúc đó sẽ thấu tỏ được sự diệu dụng của phương tiện ngôn ngữ. Nếu xét về nghĩa thật của đạo, đó chính là chân tâm không sinh diệt hay chánh kiến vô lậu.
Do đó, nội dung chính yếu của Tứ Thánh đế, pháp Mười hai nhân duyên, Kinh Vô thường, Kinh Vô tri, Kinh Vô minh, Kinh Ba thọ, Kinh Ngũ chuyển, Kinh Bát-nhã, Kinh Kim cang, KinhDuy Ma Cật, Kinh Thủ lăng nghiêm và Kinh Pháp hoa... tất cả cũng để chỉ dạy cái chân tâm không sanh không diệt, hay chánh kiến vô lậu vốn có ở nơi mỗi chúng sinh hữu tình. Cho nên, tất cả bậc Thánh nhân ở trong quá khứ, hiện tại và vị lai lãnh hội được đạo, đó cũng chính là lãnh hội chân tâm không sanh diệt hay chánh kiến vô lậu này. Với ý nghĩa như vậy, chúng ta nhận thấy rằng: Phương tiện của ngôn ngữ trong các kinh điển Phật giáo hết sức phong phú, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau, nhưng rồi cũng nhằm để chỉ rõ đâu là Vô minh và đâu là Minh vốn sẵn có ở nơi mỗi con người.