Lê Minh Hà nổi lên giữa những người viết văn hơn mười lăm năm qua nhờ khả năng vận dụng ngôn từ tinh tế và cảm xúc cồn cào ẩn chứa trong những câu chữ đôi lúc quá kỹ càng. Cái kỹ càng của một cô giáo Hà Nội dạy văn chở những ngấm ngầm nổi loạn, dục vọng của tâm hồn sáng tạo. Tập truyện của Lê Minh Hà sôi sục những nỗi niềm về giấc mơ đã bị đánh mất, về tuổi trẻ Hà Nội những năm tháng chiến tranh và lưu lạc nơi xứ người. Những câu chuyện vừa đầy ắp sự nhân hậu vừa đắng chát bi kịch những thân phận nhỡ tàu.
Truyện của Lê Minh Hà thỏa mãn các khía cạnh thưởng thức, đánh động các giác quan của trí tưởng tượng. Văn của chị gọi về một mùa thu Hà Nội xao xác cũ, một mùa đông nước Đức trắng trời đất, trong những không gian gần gũi như hơi thở mà miên man vô tận những liên tưởng và hồi ức. Với Lê Minh Hà, viết truyện không đơn giản là kể một câu chuyện hấp dẫn mà còn là một hành trình tỉ mẩn mổ xẻ gan ruột mình. Cái nôn nao của một thời Hà Nội chuyển đổi cơ chế làm quay cuồng con người như nắng rát mưa dầm xứ này. Cái bức bối của những không gian sống tập thể chật chội hôi hám nhưng vẫn không lấp được những tình cảm chất phác ngày thường và vẫn có chỗ cho những cảm xúc sáng tạo ánh lên, như tiếng hát từ những bài hát đi suốt thời con gái của những nhân vật chính.
24 truyện ngắn trong tập Những gặp gỡ không ngờ có thể xem như bức chân dung khá hoàn chỉnh và sinh động về một Việt Nam đã tự thấy mình khác xưa, một Hà Nội dẫu khác nhiều nhưng vẫn cố cựu các giá trị và định kiến. Một số truyện có thể được xem như thành tựu của đời văn và giai đoạn văn học mà không phải người viết nào và giai đoạn nào cũng gặt hái được.