Nếu cuộc đời là những chuyến đi, thì thế giới luôn là một khung trời tươi mới và rộng mở mời gọi chúng ta lên đường. Những con người, những cuộc đời ta gặp gỡ trên hành trình nhân sinh ấy cứ như những nhịp cầu dẫn ta tới gần Thiên Chúa và con người hơn. Và nếu biết dừng lại, lắng nghe và cố gắng thấu hiểu câu chuyện cuộc đời của họ, ta có thể thấy bàn tay Thiên Chúa vẫn luôn hoạt động trong thế giới này. Thế nên, dẫu là ở chốn phồn hoa đô hội như New York, thành đô vĩnh cửu – Rôma, hay quê hương Việt Nam yêu dấu, v.v. thì tiếng gọi lên đường vẫn réo gọi trong tim…
Cuốn sách “Những Điều Trường Lớp Không Thể Dạy” (tái bản lần 1) của tác giả Nguyễn Văn Yên, S.J., như một lời trần tình về những cuộc trải nghiệm tại vùng đất tị nạn Kakuma, Phi châu. Những câu chuyện đời rất thực ẩn chứa những nỗi niềm canh cánh về con người và xã hội, về nỗi lòng quay quắt của tác giả trước những cảnh đời đau thương, và cả những cách cư xử thiếu tình người nơi vùng đất nắng cháy, sỏi đá khô cằn Kakuma này. Với phong cách dung dị, ngôn từ không mấy hoa mĩ, nhưng lại lột tả cách chân chất về con người ở những nơi tác giả kinh qua; và dẫu đơn sơ mộc mạc vẫn làm toát lên nhiều nét tươi đẹp qua các trải nghiệm.
Mỗi câu chuyện trong cuốn sách này luôn được khởi đi những sự kiện hay những biến cố, những điều mắt thấy tai nghe ở vùng đất Kakuma, và rồi kết ở những suy nghĩ về cuộc đời. Khung cảnh hiện thực tại trại tị nạn được kể lại có thể sẽ làm bạn xót lòng: “Quê hương – điều tưởng chừng như mọi người ai cũng có, nhưng với những người tị nạn thì lại quá xa vời… Họ là những người tha hương và con cái họ cũng tha hương!” Nhưng điều xót xa ấy cũng có thể đem tới những bài học cho chính chúng ta: “Đối diện với bao khó khăn của những người tị nạn, có thể bạn không làm được gì cho họ, nhưng biết đâu bạn sẽ học để nhìn những khó khăn của họ ở một góc độ khác, trong đó có phần trách nhiệm của bạn.”
Bạn đọc sẽ gặp những hình ảnh thật sống động và thật đúng “chất Châu Phi.” Chẳng hạn: “…những chiếc đầu trần, những đôi chân đất chạy quanh vùng đất gần như sa mạc, những làn da đen không còn khả năng cháy nắng, những cặp giò thẳng tắp như của những chú chim chích choè, không thấy thịt và cơ bắp đâu cả. Ngoài những chỗ khớp nhô ra, người ta có thể thấy được từng rãnh xương. Không biết trong ngôn ngữ của họ, có từ nào để diễn tả bắp vế hay trái chân không!”
Những câu chuyện mang tính gợi hứng, không chỉ trong suy tư nhưng còn có thể dẫn đến hành động cho chính chúng ta. Bởi vì, khi chiêm ngắm những con người và những cuộc đời trong trại tị nạn Kakuma, bạn sẽ không thể “nằm mãi trong sự ù lì, than thân trách phận khi gặp một chút thất bại hay chút bất công trong cuộc sống.” Chính họ, những người sống trong các trại tị nạn, cho tôi thấy rằng: “Có những trái tim không bao giờ gục ngã, có những đóa hoa không một lần úa tàn, có những ánh sao chưa bao giờ lịm tắt, có những con người sống mãi không thôi” (Bài hát: Anrê Phú Yên). Thế nên, cuốn sách như một thông điệp mời gọi ta lên đường dấn thân trong các công việc phục vụ cộng đồng để củng cố thêm lý tưởng của chúng ta. Nó cũng cho thấy niềm vui của dấn thân và nhất là kinh nghiệm không đơn độc khi làm những việc được cho là ngược dòng suy nghĩ của thế nhân.
Sách do Truyền Thông Dòng Tên Việt Nam phát hành, hiện được bán online trên shopee (
https://shopee.vn/jescomvn), Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình, các Nhà sách Công Giáo trên toàn quốc, và Trung Tâm Đắc Lộ- Dòng Tên, số 171 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3 TP.HCM.
Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Công Trình, S.J.