Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa thì: 12 tác phẩm là 12 giọng điệu khác nhau, cấu trúc khác nhau. Ngay trong cùng một hồi ức về chiến tranh, nhưng Sương Nguyệt Minh rất khác Nguyễn Văn Thọ. Các tác giả khác cũng thế. Giữa Nguyễn Tham Thiện Kế với Nguyễn Ngọc Phú. Giữa Y Ban và Di Li, Hà Phạm Phú với Trần Bảo Văn, Hồ Tĩnh với Đặng Thanh Phương, Đỗ Tiến Thụy với Đặng Thiều Quang. Có thể nói, họ rất khác nhau. Những tác phẩm họ tạo dựng cũng mỗi người một vẻ. Không cái nào giống cái nào. Một sự khác biệt trong tổng thể thống nhất. Chúng không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau và tôn vinh nhau”.
Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhân Dân là một tờ báo lớn, hơn thế, đấy là báo chính trị của Đảng, không phải báo chuyên ngành văn chương. Trên các số báo hàng ngày, thi thoảng lắm mới bắt gặp một bài thơ. Còn truyện ngắn, mỗi năm, chỉ thấy một lần trên tờ báo Tết. Thế nên với Nhân Dân hằng tháng, tờ báo trong khuôn hình tạp chí, trong bộ mới suốt một năm qua mỗi số đều in một truyện ngắn. Đây cũng là một nét mới và lạ của tờ báo chuyên về chính trị này. Vì thế: “Đọc tập truyện ngắn này, ta có cái thú của một người tò mò. Chỉ với 12 tác phẩm, ta cũng hiểu được một phần diện mạo văn chương của cả nước trong một loại hình nghệ thuật. Rồi cũng qua những tác phẩm này, ta cũng hiểu được trình độ, quan niệm và thẩm mỹ nghệ thuật của những người làm báo Đảng”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Còn theo chị Vũ Phương Liên, Phó giám đốc Công ty CP văn hóa & truyền thông Liên Việt thì: “Tập truyện ngắn Nàng Măng (và tập chân dung, phỏng vấn Đối thoại trong năm cùng ra mắt ngày 12/12) là những sự tuyển chọn có chất lượng, dù không phải từ một tờ báo văn. Vì thế khi tiếp nhận bản thảo, chúng tôi hầu như không phải thay đổi gì nữa”.