Kính thưa độc giả:
Chúng tôi biên soạn và viết ra quyển sách này, vì trước đây, chúng tôi có viết ra quyển sách “Tu theo pháp môn nào của đạo Phật, dễ giác ngộ” do Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu giảng giải. Nhiều người đọc được quyển sách nói trên. Họ nghe lời giảng giải của vị Trưởng ban quản trị chùa, khác hẳn với sự hiểu biết thông thường của họ. Tuy họ hiểu khá nhiều, nhưng vì đạo Phật quá ư là cao siêu, có những ẩn ý họ không thể hiểu hết nổi, hoặc có hiểu, nhưng mỗi người hiểu một cách. Nên họ nhờ chúng tôi dẫn đến chùa, để hỏi những thắc mắc, được thật rõ thông thêm. Các câu hỏi được vị Trưởng ban quản trị chùa giải đáp rất tận tình và rành mạch, nếu ai quan tâm đến đạo Phật, nhất là các lối tu của đạo này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu.
Sau đây là các lời giải đáp mà chúng tôi ghi lại được. Cá nhân chúng tôi nhận thấy rất hay, có thể nói, những lối tu theo đạo Phật được phơi bày, như theo lời giải của Trưởng ban, dù người học cao hay học thấp gì, thích tìm hiểu và tu theo đạo Phật, hạng người nào cũng thành công cả.
Vì chỗ quá hay này, chúng tôi không nở biết một mình, nên viết ra tất cả các câu hỏi mà những người thắc mắc đã hỏi, được vị Trưởng ban quản trị chùa trả lời rất tường tận, mạch lạc và dễ hiểu.
Chúng tôi thay mặt những người hỏi, xin chân thành cám ơn Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu đã tận tình giải nghĩa, từng chữ, từng lời, mà chúng tôi đã thắc mắc.
Người sưu tầm thiền học Phật giáo kiêm tác giả NGUYỄN NHÂN (Tức NGUYỄN CÔNG NHÂN)
Sau đây là những câu hỏi của chúng tôi ghi lại được, do vị Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu trả lời:
Mở đầu các câu hỏi là của bác sỹ nhãn khoa Trần Thị Yến Thanh, sanh năm 1958 (58 tuổi), tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cư ngụ tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, hỏi:
- Kính thưa Trưởng ban, chúng tôi có duyên lành đọc được quyển sách “Tu theo pháp môn nào của đạo Phật, dễ giác ngộ” của người sưu tầm thiền học Phật giáo kiêm tác giả Nguyễn Nhân viết. Thú thật, chúng tôi rất mừng là hiểu đạo Phật khá nhiều. Vì đạo Phật quá ư là cao siêu, nên chúng tôi không hiểu nỗi những lời ẩn ý trong kinh. Vì vậy, hôm nay chúng tôi trước đến viếng chùa, sau xin Trưởng ban vui lòng giải đáp vài thắc mắc mà chúng tôi không hiểu được không ạ?
Trưởng ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu trả lời:
- Nếu quí vị có thắc mắc điều chi xin hỏi, chúng tôi hiểu đến đâu, xin giải đáp đến đó.
Bác sỹ Trần Thị Yến Thanh là người đi trong đoàn đứng lên nói:
- Chúng tôi đến viếng chùa có tất cả là 40 người. Đoàn chúng tôi có rất nhiều người muốn hỏi, xin Trưởng ban nhín ít thời giờ giải đáp, chúng tôi xin thành thật cám ơn.
1- Tôi tên Trần Kiến An, sanh năm 1945 (65 tuổi), tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Cư ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, xin hỏi trước:
- Tôi có đọc cuốn kinh Kim Cang giảng lục của dịch giả Huệ Hưng, Ngài Tu Bồ Đề có hỏi Đức Phật như sau:
- Kính bạch Đức Thế Tôn: Con và chúng sanh hiện tại và các đời sau, muốn tu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao con an trụ tâm và hàng phục tâm của chúng con?
Đức Phật dạy:
- Này ông Tu Bồ Đề, ông và chúng sanh hiện tại cũng như các đời sau, muốn tu để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải an trụ tâm và hàng phục tâm, bằng cách là độ tất cả chín loài chúng sanh như dưới đây vào Vô Dư y Niết bàn, nhưng không thấy có chúng sanh nào được diệt độ:
1- Thai sanh. 2- Trứng sanh. 3- Ẩm ướt sanh. 4- Hóa sanh. 5- Có sắc. 6- Không sắc. 7- Có tưởng. 8- Không tưởng. 9- Chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng, là ông và chúng sanh hiện tại cũng như các đời sau đã an trụ tâm và hàng phục tâm rồi đó.
Dịch giả Huệ Hưng giải thích về chín loài chúng sanh ấy như sau:
1- Thai sanh: Loài người, trâu, bò, heo, dê, v.v…
2- Trứng sanh: Loài chim, gà, vịt, v.v…
3- Ẩm ướt sanh: Loài côn trùng, v.v…
4- Hóa sanh: Loài muỗi, đom đóm, v.v…
5- Có sắc: Chúng sanh ở cõi Dục giới, Sắc giới (có hình tướng).
6- Không sắc: Chúng sanh ở cõi trời Vô sắc (không hình tướng).
7- Có tưởng: Tất cả chúng sanh ở trong ba cõi (trừ cõi trời Vô Tưởng).
8- Không tưởng: Chúng sanh ở cõi trời Vô Tưởng.
9- Chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng: Chúng sanh ở cõi trời Phi Phi Tưởng.
Dịch giả Huệ Hưng giải thích: “Người nào tu muốn được an trụ tâm và hàng phục tâm, phải độ hết chín loài chúng sanh nói trên vào Vô Dư y Niết bàn, thì người đó mới được gọi là thành công trong an trụ tâm và hàng phục tâm.
Chúng tôi cũng có đi hỏi nhiều vị, có vị giảng, cũng các loài chúng sanh như trên, nhưng các loài đó là do tâm mình nghĩ tưởng ra, khi nghĩ ra loài nào dẹp loài đó, khi tâm người tu không còn một loài nào là người đó đã an trụ tâm và hàng phục được tâm rồi. Có vị giảng đặc biệt hơn, người trước không tham, vì hoàn cảnh nào đó mà khởi lòng tham gọi là hóa sanh, hoặc suy nghĩ những việc chưa xảy ra, v.v…
Các vị trên, mỗi người nói một cách, chúng tôi không biết tin vào ai. Ở đây, Trưởng ban giải thích có trùng với các ý một trong những vị nĩi trên không?
Vị Trưởng ban quản trị chùa giải thích:
- Đây là hai câu hỏi then chốt trong kinh Kim Cang, cũng là hai câu hỏi để người tu nhận ra Phật tánh của chính mình, chứ không phải bình thường, vị nào muốn giảng kinh Kim Cang này, vị đó phải hiểu hai ý căn bản như sau:
Thứ nhất: Người giảng phải hiểu ông Tu Bồ Đề ở quả vị nào mà hỏi như trên.
Thứ hai: Đức Phật dạy kinh theo hình thức nào.
Theo chúng tôi biết, hiện nay giảng kinh Kim Cang này có bốn hạng người tham gia; còn Đức Phật dạy kinh Kim Cang này có ba phương pháp:
Bốn hạng người tham gia gồm:
Hạng người thứ nhất: Dùng trí học hỏi chút ít và suy nghĩ ra để giảng.
Hạng người thứ hai: Dùng trí học hỏi cao, trình độ kiến thức hơn người để giảng.
Hạng người thứ ba: Dùng trí hiểu biết dụng công tu tập thiền định thành công trong vật lý, nhận ra ẩn ý kinh để giảng.
Hạng người thứ tư: Tìm hiểu và thực hành đúng như trong kinh đã dạy, nhận ra Phật tánh của chính mình và từ trong Phật tánh của chính mình để giảng.
Còn Đức Phật dạy tu trong các kinh Tiểu thừa, Trung thừa, Đại thừa, niệm Phật hay niệm Chú, tùy mỗi pháp môn mà Đức Phật dạy. Như ở nơi kinh Kim Cang này, Đức Phật dạy có ba phương pháp như dưới đây:
Một: Đức Phật dạy hai câu này là để chỉ cho ông Tu Bồ Đề nhận ra tâm vật lý thanh tịnh của chính ông ấy.
Hai: Ở đây, Đức Phật dạy tu bằng ẩn ý.
Ba: Đức Phật dùng lời nói bình thường, không sử dụng thần thông.
Vị nào hiểu được cội nguồn như trên thì giảng kinh Kim Cang này mới không sai.
Chúng tôi xin phân tích hai câu hỏi trên của ông Tu Bồ Đề và lời dạy của Đức Phật như sau:
* Hiểu được bốn hạng người giảng nói trên.
* Hiểu được ba phương pháp của Đức Phật dạy, thì người nghe mới biết rõ lời Đức Phật dạy và chúng ta mới biết ai giảng ở trình độ nào. Chúng tôi xin nói rõ từng hạng người một như sau:
Một: Vị nào giảng bảo là độ tất cả chúng sanh có hình tướng ở bên ngoài tâm mình, vào Vô Dư y Niết bàn, vị đó dùng trí của hạng người thứ nhất.
Chúng tôi xin dẫn thực tế như sau: Đức Phật có độ hết các loài chúng sanh đâu mà Đức Phật đã thành Phật cách đây hơn 2.550 năm rồi.
Hai: Vị nào giảng bảo là độ tất cả chúng sanh do tâm mình nghĩ tưởng và những cảnh giới trong kinh, vị đó dùng trí của hạng người thứ hai. Các cõi trời như trong kinh nói, mình đâu có biết ở phương nào mà “độ” mà dẹp!
Ba: Vị nào giảng bảo là độ tất cả chúng sanh vô cớ sanh ra trong tâm mình, vị đó dùng trí tuệ của hạng người thứ ba.
Bốn: Vị nào giảng thực tế: Do tâm ông Tu Bồ Đề khởi nghĩ ra, là đúng với lời Đức Phật dạy; như chúng tôi đã nói ở trên, kinh này Đức Phật dạy ẩn ý và dùng lời nói bình thường của Ngài.
Bởi vậy, tam Tổ Tăng Xán ở Trung Hoa có nói một câu:
- Chí đạo vô nan duy hiềm giảng trạch!
Cái tuyệt đỉnh của đạo không khó, chỉ vì người giảng tưởng tượng ra quá nhiều, làm cho người nghe rối rắm không biết đâu mà hiểu. Đã vậy, còn bày biện ra đủ chuyện trên đời, làm cho người học hỏi càng vào chỗ tối tăm.
Chúng tôi xin nói rõ thêm, chúng ta hiểu hai câu này là Đức Phật dạy đối tượng được dạy là ông Tu Bồ Đề và đại chúng thời đó, là những vị đã chứng được những quả vị cao. Ông Tu Bồ Đề muốn ghép chúng sanh hậu thế là chúng ta, để chúng ta yên lòng như có phần, nếu ai có duyên học được kinh Kim Cang, coi như có đại duyên, mà muốn tìm hiểu ý nghĩa sâu mầu của kinh nữa, là người đó đã có duyên lành tu theo đạo Phật ít nhất cũng được vài trăm đời, chứ không phải mới tu theo đạo Phật một đời này đâu. Còn người nào hiểu, nhận được yếu chỉ Phật dạy, mà hằng sống với tâm thanh tịnh của chính mình, người đó chắc chắn không còn luân hồi sinh tử nữa.
Xin nói thêm chỗ này, ông Tu Bồ Đề xin Đức Phật dạy cách an trụ tâm và hàng phục tâm để được thành Phật, chứ Đức Phật không dạy những người đi tìm cái phàm tình. Trong kinh này Đức Phật bảo là mẹ sanh ra Chư Phật, chứ không phải tầm thường. Chúng ta nghĩ xem, kinh này Đức Phật dạy là tu để thành Phật; nếu chúng ta không hiểu ý chánh của hai câu hỏi này mà giảng, làm sao giảng đúng ý Đức Phật được? Vô tình, dẫn người nghe đi lạc đường, tội nghiệp cho người nghe và hành theo!
Bởi vậy Đức Phật bảo:
- Các ông hãy suy xét cho kỹ lời ta dạy, cái gì đúng hãy tin, nếu tin mà không hiểu lời ta dạy là phỉ báng ta vậy!
Bởi vậy, các vị Tổ sư Thiền tông có dạy:
Đạo Phật lẽ thật ở ta
Ngoài ta tìm lẽ thật ắt theo tà!
Theo tà đi trong lục đạo
Đi trong lục đạo biết kiếp nào ra?
Vì vậy, vị nào muốn giảng kinh Đại thừa Phật giáo, người đó ít ra cũng ở hạng người thứ ba, nếu không được vậy, vì ham danh, ham lợi mà “đăng đàng” dạy người khác, mình không có công đức gì, mà trái lại, bị quả báo không thể lường trước hết được!
Còn Đức Phật, Ngài dạy kinh Kim Cang này:
Thứ nhất: Chỉ cho ông Tu Bồ Đề cùng đại chúng thời đó, cũng như chúng sanh hậu thế biết cách tu để an trụ tâm và hàng phục tâm vật lý. Ngài dạy những gì mà chúng ta nghe, thấy, hiểu và biết được, chứ Đức Phật không dạy những gì mà ngoài mắt thấy, tai nghe và sự hiểu biết của con người.
Thứ hai: Đức Phật dùng ẩn ý để dạy, vì chỗ ẩn ý này mà mỗi người suy lý và giảng một cách.
Thứ ba: Kinh Kim Cang Đức Phật không dùng thần thông, mà Ngài chỉ dùng ngôn từ bình thường để dạy, nếu vị nào dùng trí óc, tưởng tượng, suy nghĩ nhiều, chắc chắn phải sai.
Hai câu trên, nếu dùng một chút trí tuệ Bát Nhã của hạng người thứ tư thì có ý nghĩa như sau:
Đức Phật dạy ông Tu Bồ Đề:
- Hiện ông tu đã đạt được quả vị A La Hán, tức ở trong Niết bàn Tỉnh lặng là Niết bàn Hữu Dư y, cũng gọi là Niết bàn Hóa thành.
Ông đừng:
Thứ 1: Ông đừng tưởng nhớ thân bằng quyến thuộc của ông như: Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, … của gia đình ông, tức chúng sanh thai sanh.
Thứ 2: Ông đừng tưởng nhớ cảnh vật như: Chim, cá, cảnh, hay gia súc của gia đình, tức chúng sanh trứng sanh.
Thứ 3: Ông đừng ham muốn hay buồn thương giận ghét. Ham mà không được thì lệ rơi, thương mà phải xa lìa cũng rơi lệ. Ham ăn thì nước miếng chảy ra, ham sắc thì nước ái cũng chảy ra, tức chúng sanh ẩm ướt sanh.
Thứ 4: Ông đừng nghĩ phải dùng thần thông biến hóa cho mọi người chung quanh thấy ông có thần thông, họ đến với ông để ông độ họ, tức chúng sanh hóa sanh.
Thứ 5: Ông đừng nghĩ phải dùng hình sắc gì kỳ đặc mà độ chúng sanh, tức chúng sanh có sắc.
Thứ 6: Ông đừng nghĩ phải dùng phép mầu gì linh nghiệm mà không hình sắc độ chúng sanh, tức chúng sanh không sắc.
Thứ 7: Ông đừng nghĩ phải làm sao có đệ tử hoặc phật tử nhiều, hay nuôi đệ tử nào đặc biệt, để phục vụ mình, nhất là trong lúc tuổi già, tức chúng sanh có tưởng.
Thứ 8: Ông đừng nghĩ phải cất chùa to, cảnh chùa cho đẹp để thu hút mọi người đến với ông, tức chúng sanh không tưởng.
Thứ 9: Ông đừng tìm hiểu Niết bàn Thanh tịnh của Như Lai, không biết ra làm sao? Ông dừng nghĩ tưởng như vậy. Vì Niết bàn Thanh tịnh của Như Lai chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng mà hiểu được, tức chúng sanh chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng.
- Xin nói thêm, vị nào hiểu thật sâu câu “Ly tứ cú, tuyệt bách phi” của Đức Phật dạy thì vị đó mới hiểu nổi câu số 9 này.
Chỗ này Đức Phật dùng tâm vật lý bình thường của Ngài để dạy. Vì vậy, ai dùng trí suy luận, hay tưởng tượng để giảng thì sai, càng suy luận, càng tưởng tượng, thì càng sai nhiều.