Cuốn tiểu thuyết Những bức tường lửa của tác giả Khuất Quang Thụy (NXB Quân Đội Nhân Dân xuất bản 2004 – Giải nhất về tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh – cách mạng của bộ Quốc phòng trong 5 năm 1999 – 2004 – Giải thưởng Văn học 2005) đem lại một cái nhìn hết sức mới mẻ trong văn chương viết về chiến tranh, những năm gần đây. Cũng là một cái nhìn hồi cố từ một thời điểm hiện tại ở khoảng giao thời hai thế kỷ, nhưng cuốn sách này nói về những điều mà dường như đã xa lạ với đương thời: về người anh hùng chiến trận và chủ nghĩa anh hùng thấm đẫm chất lý tưởng cộng sản thời chiến như một trong những sự thật đích thực của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Không gây ấn tượng đặc biệt gì về văn phong, cũng không hề có những “nút thắt” hư cấu kịch tính, cuốn sách này dùng hình thức tiểu thuyết để “Nhớ lại và suy nghĩ” (Nguyên soái Giu-cốp, Liên Xô) và đặc biệt là suy nghĩ về những người anh hùng nổi danh và vô danh – cả một lớp nhân vật chính diện, từ một người du kích, một lính trinh sát, một người chỉ huy cấp trung đội và đại đội, một người chính ủy kiên định mực thước mà thầm lặng cho đến một vị anh hùng lừng danh đã trở thành một viên tướng quan trọng sau này v.v… Thông qua câu chuyện của những nhân vật ấy, có lẽ đây là lần đầu tiên một tác phẩm văn chương đã gắn kết thành công hai chủ đề: thân phận con người và chủ nghĩa anh hùng cách mạng – để giải quyết một luận đề về người anh hùng và di sản tinh thần của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Cuốn tiểu thuyết này đã ra mắt khá lâu trước sự kiện xuất bản đầy tiếng vang cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Nếu để so sánh, ta có thể thấy rõ sự trùng hợp giữa tinh thần, tính lý tưởng và hành động của người nữ bác sĩ với tính lý tưởng, tinh thần và hành động của nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Những bức tường lửa, đặc biệt là với nhân vật chính ủy Lương Xuân Báo. Một khía cạnh trùng hợp khác là sự lựa chọn của tác giả tiểu thuyết: giống như quan điểm của giới nghiên cứu lịch sử quân sự coi chiến dịch Khe Sanh và cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 là sự kiện bước ngoặt của chiến tranh. Khuất Quang Thụy cũng chọn thời gian – không gian chiến trường đó làm bối cảnh tiểu thuyết, nhưng anh lại không chọn mô tả một đơn vị chủ công trên mặt trận chính, cái sư đoàn mà tác giả chọn làm nguyên mẫu là một đơn vị dự bị cơ động chiến dịch – chiến thuật, thực hiện một nhiệm vụ khiêm tốn, ít tiếng vang nhưng lại hiểm nghèo hơn – bởi không thể có những sự chi viện lớn; và sau cùng nhận lệnh độc lập mở một mặt trận giữa vòng vây của các đơn vị chủ lực mạnh hơn nhiều lần của đối phương… Trong tình thế không nổi bật về vai trò và sứ mệnh, những phẩm chất tinh thần của chủ nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa anh hừng trở nên gần gũi hơn, nhân bản hơn, thật hơn.