“em đi
tìm cô đơn như người bạn chung phòng cũ
tôi vẫn chờ trong đêm mất ngủ
em quay về nói
những tấm bản đồ không yêu em bằng tôi”.
Khi đọc những dòng thơ này, tôi không nghĩ Zelda là đang xưng Tôi, mà ngược lại, ở vai “em”, một người đam mê với những chuyến đi xa. Và Zel, có lẽ, lúc nào cũng chỉ có một mình. Hoặc đã sống một mình rất lâu.
Ra tập truyện ngắn Từ nơi tận cùng thế giới chưa được bao lâu, tập thơ “Như là vẽ ra mà thôi” mở ra một khía cạnh khác, khai thác về nỗi buồn tuổi trẻ và hạnh phúc “không cách nào lặp lại được nữa”. Truyện của Zelda đã lạ và mang một thứ âm hưởng như một khúc violin ám ảnh, thơ của Zel còn lạ hơn thế. Tôi không biết nên miêu tả là sự tối giản từ ngữ hay cô lập từ ngữ, chỉ biết có những câu thơ giản dị, nghe như tường thuật, mô tả, như vẽ bức tranh tĩnh vật, nhưng xen vào đó là thứ ngữ nghĩa trừu tượng và khó nắm bắt. Chỉ có cảm giác rất đau, rất buồn, rất lạnh, rất buốt.
“tôi nhìn đêm chảy màu thẫm
nghe cành hương trắng lặng câm
xoay lưng ngỡ thương còn ấm
chạm tay vỡ tiếng dương cầm.”
Tôi không biết tác giả có đang hạnh phúc hay không, nhưng đọc thơ của Zel, tôi biết người viết là một người nắm giữ kí ức. Nắm giữ và ghi nhớ mọi cảm xúc của lúc yêu người, lúc được người yêu, lúc gặp nhau lần đầu, lúc chia tay, lúc gặp lại, lúc sáng bình minh, lúc đêm không ngủ. Có thể của Zelda, có thể của người khác kề sát bên em khiến cảm giác của họ như cảm giác chính bản thân tác giả.
Tập thơ “Như là vẽ ra mà thôi” trình bày đơn giản, có tranh vẽ minh hoạ đơn nét không cầu kì nhưng cũng đủ người đọc cảm thấy đồng cảm với sự ẩn dụ đằng sau câu chữ tưởng như xa cách kia. Thơ viết về nỗi buồn lửng lơ pha chút nuối tiếc về khoảng thời gian đã qua mà ai cũng đã, đang hoặc sẽ trải qua. Thơ viết về nỗi buồn của các tác giả trẻ không thiếu, nhưng đẹp và ám ảnh đến mức khiến người ta yêu cả quãng thời gian ủ ê khi nhìn lại, tôi nghĩ chỉ có mình Zelda.
“nỗi đau của tôi cũng sẽ
như là vẽ ra mà thôi.”
L.N