Sách sử xưa ghi chép miền Trung là nơi hoang vắng, rừng thiêng nước độc. Ngay thời Pháp thuộc, theo thống kê dân số của Pháp cả vùng An Nam bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến tận Quảng Nam chỉ có 9 triệu dân. Ngay những năm 60-70, Hồ Chí Minh đã nói về miền Nam: “14 triệu đồng bào trong trái tim tôi”. Những khu đất trống hoang sơ và chưa khai khẩn rất nhiều. Những viên quan, nhân sĩ nào có tư tưởng chống triều đình thường bị đầy vào đây để cách ly trừng phạt, nhưng ở một hình thức khác vẫn sử dụng đội ngũ có tài này để phát triển kinh tế nơi hẻo lánh. Chính quyền lợi dụng tài năng của họ để khai phá mảnh đất cằn cỗi và bảo vệ biên thùy. Nhiều vua chúa, quan lại khi lâm nguy cũng dạt về miền đất này ẩn náu, ầm thầm dựng cờ cứu nước như thời Lê, thời Nguyễn. Những nhân vật nổi danh đến đây thường kéo theo một đoàn tùy tùng, thân cận. Xưa cũng có câu “vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Gần nhất trong lịch sử Việt Nam, vua Hàm Nghi chọn Thanh Nghệ Tĩnh để ẩn và dấy quân chống Pháp. Thời gian xa hơn, Hồ Quý Ly gốc gác liên quan họ Trần ở Nghệ An, Mai Hắc Đế dựng cờ khởi nghĩa gốc Hà Tĩnh lưu lạc sang sinh sống ở Nghệ An… Một phần do khí hậu khắc nghiệt, con người ở đây chịu đựng gian khổ giỏi. Sự lưu đầy này giải thích một phần lý do tại sao xứ này nhiều người rất thông minh, kiên cường, dám đấu tranh vì kế thừa dòng máu nóng hừng hực khí thế thương dân, yêu nước cùng tinh thần hiếu học của ông cha. Ngay đầu thế kỷ 20, những năm 1930, miền Trung nổi tiếng với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hàng nghìn người bất chấp súng đạn của thực dân Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối chế độ bóc lột người lao động. Nguyễn Ái Quốc và Võ Nguyên Giáp cùng nhiều vị lãnh tụ Việt Nam nổi tiếng của Việt Minh sinh ra từ miền Trung khói lửa. Quê nội tôi ở Nghệ An. chính vì thế trong họ hàng tôi, nhiều người tham gia ủng hộ phong trào Xô Viết, Mặt trận Việt Minh vì độc lập dân tộc....