Sài Gòn tuy là một thành phố trẻ nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều dấu ấn văn hoá, lịch sử mà càng tìm hiểu càng thấy dường như không bao giờ tường hết được. Mỗi góc phố, hàng cây, viên gạch cũng có thể trở thành chứng nhân lịch sử. Chọn đề tài xe cộ Sài Gòn, Ngô Kế Tựu đã khai thác một khía cạnh thú vị để người yêu Sài Gòn hiểu thêm về vùng đất này. Viết về những thứ quá gần gũi, quá quen thuộc thì dễ nhàm, nhưng Nhớ Sao Xe Cộ Sài Gòn, một cuốn sách mới của Ngô Kế Tựu do Phương Nam Book liên kết xuất bản thì lại cuốn hút và vô cùng đồng cảm, bởi anh viết bằng trái, tim, bằng tình cảm của một người thích lang thang phố thị, nhiều khi thui thủi một mình trên đường chỉ có xe làm bạn, hoặc đã từng trông chiếc xe đò về quê như trông một người tình.
Chiếc xe gắn bó với đời sống con người. Và Sài Gòn dường như là nơi sử dụng nhiều loại xe nhất cả nước từ bao lâu nay. Trong phạm vi gần 200 trang sách, Ngô Kế Tựu đã tái hiện khá nhiều phương tiện giao thông của Sài Gòn từ thế kỷ 19. Từ những chiếc xe giờ chỉ còn là dĩ vãng, như chiếc xe kéo mà Tam Lang đã viết trong “tôi kéo xe”, sau đó thay bằng chiếc xích lô đạp, nhanh chóng xoá đi hình ảnh của kiếp “ngựa người”, chiếc xe ngựa xuất hiện từ năm 70 của thế kỷ 19, xe điện nay chỉ còn là “dấu xưa” … cho đến chiếc xe đạp đầy kỷ niệm của nữ sinh Sài Gòn trong tà áo dài trắng, chiếc xe lam ồn ào xả khói mù mịt, xe hoa kiệu cưới, ga xe lửa Sài Gòn mà nay là khuôn viên khách sạn New World, chiếc xe máy Mobylette đời màu vàng xuất hiện tại đường phố Sài Gòn vào giữa thập niên 50 của thề kỷ 20, cùng thời với chiếc Velo Solex…
Đọc một đoạn của Hoài niệm xe đò để thấy được cái tình cảm của người Sài Gòn xa xứ: “Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ”.