Viết về danh nhân, anh hùng của đất nước mình, ngoài sự bày tỏ tấm lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công sức lớn lao nuôi dưỡng Tổ quốc bền vững, còn là góp phần truyền tiếp thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh việc quan tâm về đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài lịch sử. Gần đây Hội đồng Lý luận và Phê bình văn học nghệ thuật thuộc Ban Tuyên giáo trung ương đã có văn bản thúc đẩy “sáng tác và quảng bá tốt các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao sẽ có tác động rất sâu rộng, giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước, truyền thống dân tộc cho nhân dân”. Đầu tháng 12 này, tại Hà Nội, hội đồng tổ chức cuộc hội thảo về sáng tác đề tài lịch sử.
Tiểu thuyết Nguyễn Trung Trực – Khúc ca bi tráng của nhà văn-kịch tác gia Dương Linh có thể là sự đáp ứng tích cực cho kỳ vọng đó. Bởi lẽ, từ thời mở cõi về đất phương Nam, khá nhiều danh nhân anh hùng vẫn chưa được tôn vinh đúng mức, và một trong những con người kiệt xuất là Nguyễn Trung Trực chưa được thể hiện qua một công trình văn học xứng tầm. Con người sinh sống bằng nghề chài lưới, có học nhưng nghèo nàn ấy đã là nhân vật giàu có vô hạn về lòng yêu nước, về phẩm cách sống, về sự bất khuất kiên trung và trong điều kiện khốn khó của quê hương mình đã lập được những kỳ công vang dội một thời.
Hai câu thơ của Huỳnh Mẫn Đạt:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
(Lửa hồng Nhựt Tảo vang trời đất
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần)
Đã nói lên sự vĩ đại của người anh hùng áo vải, dân chài ở tuổi 23 từng sống và chết theo một đạo lý tuyệt vời và đã ra đi ở tuổi 30 nhưng mãi là người bất tử trong lòng dân tộc. Chừng nào “cỏ nước Nam này hết mọc, thì người Nam mới hết chống Tây”, khí phách chống xâm lược ấy truyền đến thời ta, truyền mãi đến muôn đời. Hàng năm, vào lễ giỗ của Người, cả triệu người dân phương Nam đã tụ tập đến để bày tỏ lòng thành kính tri ân.
Tác giả Dương Linh không chỉ là ngòi bút lịch lãm có nhiều tác phẩm giá trị, đặc biệt là các kịch bản thời ông tập kết ra Bắc mà còn có nhiều ưu thế trong sự sáng tạo nên công trình này: ông là con dân Nam Bộ nên thể hiện được sắc sảo ngôn từ cùng các sinh hoạt địa phương, là chiến sĩ nhiều năm trong quân ngũ cách mạng nên thông thạo cách vận động chiến đấu. Ông là một trí thức uyên bác, đọc rộng, hiểu nhiều nên việc thể hiện lịch sử ngoài sự phong phú còn tính trung thực đáng quý.