Sinh năm 1912, mất năm 1960, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chỉ sống được trọn bốn con giáp. Ông lại là người đến với văn chương muộn: Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, người ta mới thấy xuất hiện những tác phẩm sau này sẽ thực sự làm nên sự nghiệp ông: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, An Tư... Nghĩa là với tư cách một nhà văn, ông chỉ có mặt trên cõi đời này chưa đầy hai mươi năm trước khi về cõi vĩnh hằng, một ngày đầu tháng sáu năm Canh tý. Thế nhưng, ngay từ thời thanh niên, ông đã đến với nhiều hoạt động xã hội, như Truyền bá quốc ngữ, hướng đạo, và sau này là văn hóa cứu quốc.
Nguyễn Huy Tưởng lại là người có thói quen ghi chép và lưu giữ tài liệu một cách có ý thức. Là người phụ trách cơ quan, ông ghi tỉ mỉ từ nội dung một số báo văn nghệ sẽ ra, nhuận bút sẽ trả cho đến các cuộc họp Đảng đoàn văn nghệ trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm đầy sóng gió...
Là một nhà văn có thói quen viết có sở cứ rõ ràng, ông lưu lại từng trang ghi chép người và việc lấy làm tài liệu cho một tác phẩm dự định, hay một trải nghiệm ông ghi nhớ để đưa vào nhật ký cùng ngày.... Là người thiên về cuộc sống tinh thần, ông cất giữ mọi kỷ vật của mình - những trang bản thảo đã viết, những cuốn sách đã in, những bức ảnh đã chụp...
Những kỷ vật đó đều có chung một điểm: chúng đều đã cũ, thậm chí một số là rất cũ - ba phần tư thế kỷ chứ không ít! Phần lớn đã ố vàng, bị nhòe hay bay mực, một số còn bị rách, bị thủng do mối xông... Nói chung là rất khó đọc với nhiều trang viết, khó nhận biết với nhiều bức ảnh. Nhưng, như trên đã nói, do chúng có liên quan đến một người như Nguyễn Huy Tưởng, hay như ai đó đã nói, một Nguyễn Huy Tưởng "phong phú và sâu sắc" trong văn trong đời, chúng đều có những giá tri nhất định, đặc biệt về phương diện văn học sử