"Nguồn cội" là thi phẩm thứ hai của nhà thơ Phạm Bá Nhơn - một nhà thơ không chuyên. So với tập thơ trước, tập thơ này có cái nhìn trầm tĩnh, sâu lắng hơn, luôn khắc khoải hướng "về với nguồn cội".
Trong tập thơ, tác giả giới thiệu hơn 100 bài thơ với thể thơ quen thuộc (năm chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát), chữ nghĩa chân phương, hình ảnh gần gũi. Các bài thơ mang đậm hình ảnh người cha, người mẹ, quê hương như: Đôi bàn tay mẹ, Mưa trên đất mẹ, Những lời ba gửi cho con, Người Quảng Trị xa quê... và gắn liền với những nét độc đáo của đất trời và con người các vùng miền khác nhau của đất nước, như: Thanh Hóa (Mơ về xứ Thanh), Nha Trang (Nha Trang ngày trở lại), Quảng Trị (Hẹn về Quảng Trị), Hà Nội (Hà Nội trong tôi, Thăng Long Hà Nội ngàn năm)...