Người thầy - Hồi ức của một nhà giáo Mỹ bắt đầu bằng câu chuyện giản dị của một giáo viên tập sự dạy đám học trò mười sáu tuổi, ngay từ giây phút đầu tiên của anh trước đám học trò đang dỏng tai mắt quan sát ngày đầu tiên của thầy. Tình huống sư phạm đầu tiên mà anh giáo trẻ phải đối mặt là chiếc bánh mì kẹp pho mát văng xuống đất khi hai đứa trẻ xông vào đánh nhau. Hơn cả thế, hai ngày dạy học đầu tiên, anh đều suýt bị sa thải do các phụ huynh thi nhau gọi điện tới trường để phản đối. Song những lời cảnh cáo khiêm khắc của thầy hiệu trưởng chẳng thể buộc thầy giáo McCourt gạt mơ ước không bám theo những trang giáo án được chuẩn bị công phu. Điều mong muốn lớn nhất của anh, đó là đánh thức được tâm hồn của tụi trẻ choai choai đang hờ hững và lãnh cảm trước giáo viên…
Cuốn sách của Frank McCourt khiến người đọc khó lòng bỏ qua những gì xảy ra tiếp theo với anh giáo viên tập sự nhút nhát, hay căng thẳng, mất bình tĩnh trước học sinh. Cũng như bao giáo viên khác, anh nhớ như in những điều cần phải làm để tạo một hình ảnh mực thước, xa cách và nghiêm khắc tới các học trò. Song McCourt đã không dấn sâu vào lối mòn mẫu mực ấy. Không phải vì anh là người quá can đảm, quá thông minh mà điều đơn giản là, McCourt muốn trở thành một người thầy như mình từng mong ước khi còn nhỏ, muốn tất tật các em học sinh đều thực sự quan tâm đến bài giảng tiếng Anh của mình. Đương nhiên, có biết bao chướng ngại vật anh phải vượt qua, có lúc anh cũng chán nản, bất mãn khi phải đứng lớp năm ngày trong tuần và năm tiết trong một ngày, còn khi trở về nhà lại xách theo túi bài nặng trĩu với đủ mọi bày tỏ, bao gồm cả ước mơ và những lo âu, trở ngại được chép dày đặc trên giấy. Và anh, McCourt, sẽ xoay sở ra sao trong thế giới đó?
Sẽ thật thiếu sót biết bao khi không nhắc tới lối kể chuyện dí dỏm của tác giả Frank McCourt trong Người thầy - Hồi ức của một nhà báo Mỹ. Người kể chuyện hóm hỉnh, hài hước, đôi khi sâu cay và phần nào bất kính khi không thừa nhận những quy tắc có phần khiên cưỡng trong nghề giáo viên. Song đổi lại, sự chân thật và tình yêu, sự trân trọng với nghề đủ khiến những chuyện tưởng thành to tát ấy trở thành cái nhìn táo bạo, mới mẻ. Và phảng phất đâu đó, còn là tiếng gọi khẩn thiết từ phía McCourt dành cho các giáo viên: Hãy mạnh dạn rời bỏ hình ảnh mô phạm cùng những kiến thức khô khan để tiếp cận với học sinh bằng chính con người mình; Hãy để mỗi ngày lên lớp dù dài đến năm tiết học vẫn trở thành công việc yêu thích… Tác phẩm của Frank McCourt không chỉ là cuốn sách về nghề giáo, mà còn là câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn về cuộc sống, về giá trị của sự chân thật mà ai cũng phải ngưỡng mộ và thán phục.