Người khổng lồ ArMy được sinh ra từ lòng yêu nước của dân tộc Ma Y Cổ Tỳ - một dân tộc nhỏ bé, hiền hòa nằm kẹp giữa hai đế quốc Hoàn Vương và Chân Bồ. Mỗi khi đất nước bị xâm lược, dân Ma Y Cổ Tỳ lại lấy đất đai quê hương đắp thành tượng một chiến binh khổng lồ. Sau đó từng người sẽ lấy máu của mình tưới lên hình nộm. ArMy sẽ tái sinh sau làn khói mơ hồ được tạo ra từ máu huyết sôi sục của cả một dân tộc.
ArMy sẽ được uống nước từ dòng sông quê hương chở nặng phù sa, khổ đau và thấm đẫm văn hóa dân tộc để có được cảm xúc như một con người chứ không phải chỉ là cỗ máy chiến tranh. Khi nào hết giặc, ArMy lại tan vào máu huyết, đất đai, sông nước Ma Y Cổ Tỳ... Trong lần tái sinh cuối cùng để chống xâm lược, ArMy bị trói buộc bởi lời thề trung thành với Thánh kinh Vệ Đà, Thánh giáo Bà La Môn.
Vì lời thề này ArMy dù bách chiến bách thắng vẫn không thể đòi lại phần biên giới và quần đảo Vạn Lý bị ngoại bang cưỡng chiếm. ArMy đành dùng thanh kiếm nghìn cân của mình phá núi lấy đá tạo lập mộ phần cho chính mình. Cũng trong kiếp đó, ArMy đối mặt với tình yêu “sét đánh” và biết thêm “quy luật” của người anh hùng. Đó là khi xả thân vì tổ quốc, nhân dân mình, ông sẽ to lớn, mạnh mẽ bằng nhiều thớt voi cộng lại. Nhưng khi buông thả theo dục vọng bản năng, ông sẽ bị hóa thành nhỏ bé, yếu đuối...
Trong câu chuyện dài về ArMy còn nổi lên mối quan hệ vừa căng thẳng vừa tế nhị của những nghệ sĩ yêu nước với những thầy tu bảo thủ, cuồng tín đang nắm thần quyền lẫn vương quyền ở Ma Y Cổ Tỳ. Các thầy tu quyền uy đó đã hy sinh lợi ích của Ma Y Cổ Tỳ cho giấc mơ “Thánh giáo đại đồng”. Vì thế ArMy cùng đồng đội, đồng bào mình phải trường kỳ kháng chiến, đánh bại 2 đạo quân xâm lược lớn nhất thời đại.