Từ Nụ Cười Tre Trúc
đến Thương Nàng Bấy Nhiêu
Kiệt Tấn, ngó hiền khô, dáng lờ đờ, miệng ít nói, nói bằng mắt, nhất là với… đàn bà. Kiệt Tấn viết về đàn bà, thương đàn bà, thương muốn chết, khoái đànbà, khoái chí tử, ghiền đàn bà như ghiền ma túy và dĩ nhiên, nếu đàn bà lại đọc Kiệt Tấn và cho dăm ba ý kiến thì còn… gì bằng.
Trái ngược lại với bọn con trai, vì yêu đương mà xao lãng đèn sách, khi có người con gái bên cạnh tôi càng học được. Tôi vừa đánh đàn vừa học bài,thỉnh thoảng hôn lên má nàng một cái, vậy mà học tiến bộ ngó thấy. Không có nàng, tôi lăng xăng tìm kiếm, không học hành được gì hết. Tìm không ra, tôi tưởng phát khùng tới nơi
Nếu tình yêu trong Đêm cỏ tuyết là thứ tình dồn dập, vũ bão và tươi sáng của thuở đầu đời, thì tình yêu trong Người em xóm học đã có mùi đắng cay, đau khổ, là sự thăng hoa của hai tâm hồn cô đơn, không định hướng: Bằng thân trăn mềm, bằng ngực no nê, bằng tình điên rồ, Diane đã giải thoát tôi khỏi cô đơn đỉa đói và đem tôi về đoàn tụ với loài người. Nàng hòa giải tôi với đời sống.
Tôi thay xiêm đổi áo và đính hôn với mùa hè, với nắng nóng, với mặt trời, với cỏ cây, với chim chóc. (Người em xóm học, trang 93) Trong trạng thái cô đơn tuyệt vọng dẫn đến những bất thường gần như điên loạn, con người – tự bản chất muốn tồn tại – phải tìm lại thế quân bình, và Kiệt Tấn đã tìm thấy cứu cánh trong tình yêu, tình dục.
Dưới cái điệu bộ chán đời, muốn tự tử, có cái ham sống, sống thật nhiều, sống đến đam mê không độ lượng, trong chiều sâu, trong chiều rộng, của cả tinh thần lẫn thể xác. Tình yêu của Kiệt Tấn, không chỉ có ngất ngư, không chỉ có rên rỉ, năn nỉ, xô ra, quấn vào, cuồng nhiệt, mê tơi, cực điểm, chết ngất, mà còn có chân thành. Từ người yêu đầu đời trong Bến đò trao thơ đến em bán quán thời trung học, em tóc hung, tóc vàng… thời du học, và những em đi khách, thời trung niên, Kiệt Tấn đều thành thật với họ...