. "Chú lên ngay, bố cháu chắc sắp... đi". Nghe xong điện thoại của thằng Dong, tôi vội vàng gác lại mọi chuyện bắt xe làm chuyến ngược về miền trung du. Trên đường, tôi cứ bồn chồn lo. Nếu tôi lên không kịp liệu ông có trăng trối lại cái điều tôi cần biết cho con cháu ông không. Cái điều mà vì nó tôi đã xem ông với mảnh đất miền trung du nơi ông đang sống như là quê hương thứ hai. Cái điều mà vì nó, năm nào cũng vào độ chín Đông khi cái rét đã giương hết nanh vuốt buốt tê của nó để cấu cào vào da thịt khách lữ hành thì tôi lại tìm lên với ông. Cái điều mà ông đã bắt tôi và bắt cả chính ông phải thề: "Sống để trong dạ, chết ngạ bên mồ”. Thực chất thì ông tự bắt chính mình thực hiện cái lời thề ấy chứ tôi thì có biết gì đâu mà phải thề. Đã nhiều năm nay tôi muốn ông giải đi cái lời thề ác nghiệt đó để tôi giải được trong tôi cái nỗi day dứt đã mang nặng mấy mươi năm qua. Chính tôi là người muốn ông giải cái lời thề đó nên tôi kể lại chuyện này cũng là mong nếu tôi không lên kịp, không nghe được lời trăng trối của ông thì câu chuyện này cũng giống một con thuyền không lái thả vào chốn mịt mùng để may ai đó bắt gặp nó trong đêm, thấy là bạn, là mình... trong đêm đó thì hãy thả về cho tôi một tiếng hời cảm thông, hay tiếng thở dài oán thán. Và nếu có thể thì hãy tìm lái cho con thuyền này mà chèo về cập bến mong... Như hiểu được lòng tôi, chiếc xe cà khổ vốn nằm đường nhiều hơn chạy hôm ấy lại rất ngon chớn, tôi lên đến thị xã miền trung du khi mặt trời đã trốn sau tán cọ. Thấy tôi vào ngõ, thằng Dong con cả của ông Lộc vội chạy ra nói:
- Chú vào ngay đi, ngày hôm nay đổ gì bố cháu cũng không nhập nữa. Từ sáng đến giờ cứ nằm hướng mặt ra phía cửa, chắc bố đang nuối chú.