Người đàn bà nghịch cát tập hợp 12 truyện ngắn hay, được tác giả viết bằng trải nghiệm, tấm lòng xót thương đầy bao dung với những kiếp người nhỏ bé trong xã hội. Tác phẩm đã gây được sự chú ý của đông đảo độc giả xa gần trong và ngoài nước đặc biệt là những nhận định, đánh giá của các nhà văn, nhà lý luận phê bình đối với tác phẩm này.
”Tập truyện ngắn “Người đàn bà nghịch cát” là một cuộc trở lại kỳ thú của Nguyễn Đăng An sau một thời gian tạm gác chuyện văn chương để lo chuyện đời. Vẫn mạch nguồn văn chương định hình định tạng, nếu có bứt phá thì chính là cuộc từ giã lối kể chuyện thô giản thật thà trước đây để Nguyễn Đăng An tiến tới cách viết nội dung truyện, mà thấy rất rõ ở thông điệp tư tưởng, ở biệt tài dựng truyện, ở chi tiết đặc sắc, ở ngôn từ giàu hình ảnh được tắm mình trong dòng sông cảm xúc chân thành, nồng nàn, trữ tình mà xót đau. Có thể nói văn của Nguyễn Đăng An là tiếng gọi của những thân phận trắc trở, éo le, đau đớn của những khát vọng không thành, của những cảm xúc nội tâm trữ tình, của những bi kịch cá nhân lẩn khuất trong bi kịch lớn xã hội.
Dường như số đông người đọc Việt Nam thích truyện có cốt truyện với những xung đột mạnh, rõ ràng, ràch mạch. Và cũng số đông nhà văn làm “người thư ký trung thành của thời đại” quyến rũ người đọc bằng nhưng câu chuyện kể, kể có duyên thì hấp dẫn, kể vô duyên thì nhạt như nước ốc. Người tài hơn thì vừa kể vừa tả và triết lý bằng cách viết nội dung câu chuyện. Nguyễn Đăng An là người kể chuyện có duyên. Cái duyên mộc và chân thành cộng với xốn xang thao thiết xúc động mà làm nên giọng văn chân mộc trữ tình đau đớn”