Người đàn bà bí ẩn là một trong ba cuốn tiểu thuyết khá hoành tráng phản ánh về hiện thực miền núi từ trước Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay của nhà văn Hữu Tiến, gồm: Dòng đời, Hữu hạn, Người đàn bà bí ẩn.
Nếu như tiểu thuyết Dòng đời phản ánh những khía cạnh éo le, rất riêng của những thân phận có tri thức, có hiểu biết của miền núi đi theo cách mạng, tiểu thuyết Hữu hạn phản ánh lớp người trẻ tuổi miền núi đến với nền công nghiệp hiện đại với những bi kịch riêng của đời mình, thì tiểu thuyết Người đàn bà bí ẩn phản ánh về một trường hợp éo le riêng của cuộc đời người phụ nữ miền núi trong kháng chiến chống Mỹ.
Hơn 30 năm cầm bút sáng tác nhiều thể loại khác nhau nhưng ở các tác phẩm của ông đều có chung đặc điểm là một không gian văn hóa Tày đậm đặc thấm đẫm trên từng trang văn. Trước hết, là trong hình ảnh thiên nhiên núi rừng được hiện lên với vẻ hùng vĩ, hoang dã mà tráng lệ thấm đượm tình người. Đó là hình ảnh con người được hiện lên vô cùng sống động mà bản sắc Tày thắm đượm trong cách nghĩ, cách cảm, trong cách nói và trong các hành động cụ thể của họ.
Văn hóa Tày thấm sâu vào từng trang chữ, hồn nhiên, tự nhiên như dòng máu Tày đang chảy trong anh. Điều này tạo nên tính độc đáo mới lạ trong sáng tác của Hữu Tiến.