Ngôi đền vàng, xuất bản năm 1959 đã tạo uy danh cho tác giả không những trong văn giới Nhật Bản mà còn cả Âu châu và Bắc Mỹ nữa.
Hiển nhiên, ở đây, Mishima đã dùng phân tâm học để xây dựng nhân vật dựa vào một thắng tích lịch sử để hình thành tác phẩm mà chủ đề cơ bản là sự say mê cái đẹp đến cuồng loạn chỉ muốn phá hủy, tiêu diệt, lấy xã hội Nhật Bản - tiêu biểu là thành phố Kyoto - hồi cuối đệ nhị thế chiến làm bối cảnh trong đó mọi thành phần, mọi giai cấp, mọi khuôn mặt của dân tộc Phù Tang khi hùng hổ gây chiến cũng như lúc nhục nhã đầu hàng, một khuôn mặt tím bầm, tan nát vì chiến tranh xuất hiện lúc tỏ lúc mờ, khi ẩn khi hiện trong bầu không khí hiện thực pha mùi châm biếm.
Nhờ thế, Ngôi đền vàng vừa có giá trị cục bộ vừa có ý vị nhân bản đã thỏa mãn, lôi cuốn độc giả cả ở trong lẫn ngoài nước.
Dù khó tính, thiên vị hoặc có thành kiến, độc giả cũng như phê bình gia Âu Á, Đông Tây rồi ra cũng phải thừa nhận tiểu thuyết này là một đại danh tác có cả chiều sâu lẫn chiều rộng, nhờ biết kết hợp phân tâm học với Thiền lý mà chỉ một ngòi bút, một tâm hồn từng được nuôi dưỡng lâu đời trong nguồn tư tưởng Phật giáo, dù là "Phật giáo của giới Tân Tăng Nhật Bản", mới có thể thực hiện nổi.