Dựa trên những kết quả nghiên cứu điền dã, kế thừa nội dung luận án tiến sĩ, trong cuốn sách này, tác giả Lê Hải Đăng (Viện Dân tộc học) đã tập trung trình bày về nghi lễ gia đình của người Tày Mường ở Nghệ An nhằm làm sáng rõ đặc trưng văn hóa của người Tày Mường, chỉ rõ những biến đổi trong các nghi lễ gia đình và lý giải nguyên nhân tác động đến những biến đổi đó.
Bảy phần của cuốn sách giới thiệu, trình bày, thông tin về các vấn đề chủ yếu sau
- Khái niệm, chức năng của nghi lễ gia đình; các lý thuyết nghiên cứu nghi lễ gia đình... (phần một);
- Bối cảnh nghiên cứu; khái quát các nhóm địa phương của người Thái ở Nghệ An; Một số đặc điểm kinh tế - xã hội ở người Tày Mường trong giai đoạn triển khai nghiên cứu để thấy được các yếu tố văn hóa đặc trưng và bối cảnh tự nhiên - xã hội và đời sống hiện nay của người Tày Mường tại Nghệ An (phần hai);
- Nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con, tập trung vào các thời kỳ mang thai; thời kỳ sinh đẻ; các trường hợp sinh con khác như: sinh hai con trai hoặc ba con trai, sinh đôi gồm một trai và một gái, sinh con dị tật…; giáo dục con cái đạo đức, lối sống, ứng xử; giáo dục kỹ năng lao động sản xuất; giáo dục lao động theo giới tính và theo các giá trị văn hóa tinh thần (phần ba);
- Nghi lễ và tập quán cưới xin, hôn nhân và các trường hợp cưới xin khác như trộm vợ (trộm có sự thỏa thuận giữa đôi trai gái và không có sự thỏa thuận giữa đôi trai gái); hôn nhân giữa hai người ly hôn lấy nhau; trai tân lấy gái góa; góa lấy góa; lấy người khác nhóm, khác tộc (phần bốn);
- Các công việc chuẩn bị cho đám ma; quy định về trang phục; các nghi lễ chính trong một đám ma; các nghi lễ sau an táng; các trường hợp chết bất đắc kỳ tử và ý nghĩa của các nghi lễ trong đám tang (phần năm);
- Nghi lễ thờ cúng tổ tiên; nhà mới; lễ bốc vía; lễ mừng thọ; nghi lễ nông nghiệp (phần sáu);
- Sự biến đổi trong nghi lễ sinh đẻ, cưới xin; tang ma; các nghi lễ khác; nguyên nhân của sự biến đổi; vai trò và ý nghĩa của nghi lễ gia đình.
Từ những phân tích đó, tác giả nhận định, bên cạnh các giá trị truyền thống được bảo lưu, các nghi lễ gia đình của người Tày Mường cũng đã có những biến đổi nhất định cả về nội dung và hình thức; về cả không gian, thời gian, mức độ, phạm vi cũng như xu thế biến đổi… Nguyên nhân chính là do sự cộng cư lâu đời với các tộc người khác (nhất là người Kinh) và chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi của Chính phủ.