Nếu “một cuốn sách, cũng giống như một con người, có vận may riêng của nó” đúng như lời của Walter Pater từng nói thì vận may thật sự đã mỉm cười với cuốn Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng (The Art of Public Speaking). Nhân dịp cuốn sách được tái bản lần thứ chín, tôi vô cùng cảm kích những sinh viên và giảng viên đã biến cuốn sách này thành giáo trình hàng đầu của môn học “nói chuyện trước công chúng” tại các trường đại học trên toàn nước Mỹ.
Trong khi chuẩn bị ấn bản này, tôi đã giữ lại những nội dung đã được độc giả đánh giá là điểm mạnh cơ bản của những ấn bản trước. Cuốn sách này tiếp tục cung cấp những học thuyết cổ điển và hiện đại về tài hùng biện nhưng không xem lý thuyết là chủ đạo. Hãy luôn chú tâm đến những kỹ năng diễn thuyết thực tế, các bạn sẽ có được cái nhìn tổng thể về tất cả các khía cạnh quan trọng của việc chuẩn bị cũng như trình bày bài diễn thuyết.
Xuyên suốt cuốn sách Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng (The Art of Public Speaking), tôi đã nghe theo lời khuyên của David Hume rằng “những ai dạy về tài hùng biện thì phải dạy bằng ví dụ.” Bất cứ khi nào có thể tôi đều cố gắng minh họa những nguyên tắc diễn thuyết bằng hành động cụ thể bên cạnh việc mô tả chúng. Vì vậy, các bạn sẽ nhận thấy rằng trong cuốn sách này có rất nhiều bài tường thuật và đoạn trích từ các bài diễn thuyết - được làm nổi bật với kiểu chữ khác với phần viết. Sách cũng có nhiều dàn bài diễn thuyết và các bài diễn thuyết mẫu. Tất cả đều nhằm giúp sinh viên để sinh viên biết cách đưa ra những lời phát biểu có chủ đích cụ thể, cách phân tích và thích ứng với thính giả, cách sắp xếp ý tưởng và xây dựng dàn bài, cách đánh giá chứng cứ và lập luận, cách sử dụng ngôn ngữ có hiệu quả, v.v…
Bởi vì nhiệm vụ tức thời mà sinh viên phải đối mặt là trình bày bài diễn thuyết trước lớp nên tôi chủ yếu dựa vào những ví dụ có liên quan trực tiếp đến nhu cầu và kinh nghiệm trong lớp học của sinh viên. Tuy nhiên, lớp học về diễn thuyết là nơi giúp sinh viên phát triển những kỹ năng mà họ sẽ ứng dụng trong suốt cuộc đời. Do đó, tôi cũng đưa vào nhiều ví dụ minh họa được rút ra từ những tình huống diễn thuyết mà sinh viên sẽ gặp phải sau khi tốt nghiệp - trong môi trường nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống cộng đồng.
Cũng như trong những ấn bản trước, tôi có niềm tin rằng một cuốn sách dành cho những sinh viên muốn diễn thuyết hiệu quả hơn không bao giờ được bỏ qua một thực tế rằng phần quan trọng nhất của diễn thuyết là tư duy. Khả năng tư duy logic là tối quan trọng trong một thế giới nơi “cá tính” và vẻ bề ngoài thường lấn át tư duy và nội dung. Song song với mục đích giúp sinh viên trở thành người diễn thuyết giỏi và có trách nhiệm thì cuốn sách Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng (The Art of Public Speaking) cũng nhằm giúp họ trở thành người có năng lực tư duy và trách nhiệm.
Stephen E. Lucas