Thứ đầu tiên đập vào mắt người thầy giáo trẻ tình nguyện đi về vùng sâu dạy học là một miền núi non trùng điệp mênh mông, rặt một màu đất đỏ bazan khô khát. Nhiệt tình cháy bỏng muốn đem ánh sáng văn minh chiếu rọi tới cuộc sống mông muội của người dân thôn Ngũ Nhân Bình trong anh cứ dần lụi tàn trước sự bất di bất dịch của tự nhiên và con người nơi ấy. Chỉ khi ngày lại ngày đối mặt với những dãy núi trải dài câm lặng, anh mới cảm nhận sâu sắc được thế nào là sự cô độc và tĩnh lặng không người thấu hiểu, ngộ ra cuộc đọ sức vĩnh hằng, vô vọng giữa con người và tự nhiên, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn.
Cởi bỏ lớp áo ngôn từ cô đọng bó chặt hình thành từ Hậu thổ, Ngàn dặm không mây ra đời cùng lúc với Cây không gió là sự giải phóng khỏi chính phong cách đã định hình của Lý Nhuệ, nếu như giọng truyện trong Cây không gió là niềm vui sướng tự do thì Ngàn dặm không mây là ngọn thủy triều ngôn ngữ dồn dập ập tới. Chính Lý Nhuệ cũng thừa nhận: “Trong quá trình chuyển đổi từ lời văn có trật tự, khống chế cao độ chuyển sang tự do trình hiện cách nói khẩu ngữ phức tạp, rối loạn, tôi đã nhận được sự tự do, phong phú trước nay chưa từng có.”