Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Nói đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám không thể không nhắc đến những tấm bia tiến sĩ - một trong những di sản văn hóa vô giá, những trang sử bằng đá của cha ông ta để lại, là biểu trưng khuyến học cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa cũng như thời nay.
“Nét Việt trên bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám” do Nxb. Mỹ Thuật phát hành năm 2018 là tâm huyết và công sức của hai đồng chủ biên là họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và kiến trúc sư Trần Trung Hiếu. Các tác giả đã có cách nhìn, hướng tiếp cận mới và dày công nghiên cứu, xử lý kho dữ liệu đồ sộ của 82 tấm bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám để cho ra đời ấn phẩm này.
Đây là ấn phẩm gồm 288 trang, ảnh, lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng đầy đủ hình ảnh kèm giải nghĩa cho từng họa tiết và các đặc điểm đáng nhớ của 82 tấm bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám dưới bốn hình thức ảnh chụp - bản rập - bản nét - bản phác họa. Với hơn 600 hình ảnh của từng tấm bia, nhóm bia đến từng chi tiết chim muông, cỏ hoa… đều hiện lên vô cùng sắc nét, sống động. Tất cả như được đánh thức, hồi sinh để cùng tâm tình với độc giả về vẻ đẹp nguyên sơ, thâm trầm, đầy kiêu hãnh của những pho sử đá dẫu đã phải trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của thời cuộc.
Cuốn sách gồm 3 chương:
- Chương 1: Dẫn nhập về nghiên cứu đồ án.
- Chương 2: Khái quát về quá trình lập bia và đặc điểm bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
- Chương 3: Hệ thống đồ án trang trí trên 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Với sự tỉ mỉ và hơn hết là tấm lòng với di sản văn hóa của ông cha, các tác giả đã đi vào phân tích tỉ mỉ bố cục bia, trán, thân và đế bia, từ đó đi vào phân loại, giải nghĩa các đồ án trang trí trên bia Tiến sĩ: đồ án Phật giáo, đồ án Đạo giáo, đồ án Nho giáo. Các tác giả cũng chỉ ra ngôn ngữ biểu đạt đồ án trang trí là ngôn ngữ cách điệu, mỹ lệ hóa đối tượng mang tính tượng trưng, hài thanh ngụ ý đặc trưng, tiêu biểu cho nghệ thuật cung đình thời phong kiến và nghệ thuật phương Đông kết hợp ngôn ngữ hiện thực phản ánh thực trạng xã hội đương thời trên những tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nội dung mỗi tấm bia Tiến sĩ có 3 phần: tiêu đề, bài ký, họ tên các Tiến sĩ và quê quán. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực thể hiện rõ quan điểm tư tưởng về triết học, sử học, về giáo dục đào tạo và sử dụng nhân tài. Những người tham gia dựng bia như: người soạn, người nhuận, người viết, người khắc được liệt kê rõ ràng.
Cuốn sách không những cho chúng ta thấy kho tàng mỹ thuật của Việt Nam đang còn ẩn khuất dưới các mái đình, mái chùa… thực sự phong phú và quý báu, cần được quan tâm nghiên cứu mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá tinh hoa của văn hóa Việt Nam.