Năm lá quốc thư là hình ảnh ẩn dụ về năm vị đại sứ thuộc các thế hệ khác nhau. Kết nối năm bức chân dung ấy là nhân vật hai người con gái: “Nàng”, từng là một nhà ngoại giao trẻ Việt Nam. Và Roza, một cô gái Trung Á bị kẹt giữa chiến tranh và xung đột giữa các lực lượng đối địch.
Hai cô gái đều là nạn nhân: Nàng từng bị trù dập, bị vu khống, để rồi khi đối diện với những thủ đoạn thâm độc tàn ác, Nàng dường như bị tước đoạt mất niềm tin, không còn là một cô gái hồn nhiên và đầy hoài bão. Để bắt kẻ từng gây ác với mình phải trả giá, Nàng có ý định cướp lấy lá quốc thư của hắn như một ẩn dụ về việc không thể đặt niềm tin của đất nước vào sai chỗ. Nhưng rồi trong cơn biến loạn của chiến tranh ở đất nước Trung Á nọ, ở Nàng vẫn còn nguyên vẹn tình yêu thương đồng bào, đồng hương. Dồn tâm sức vào việc giải cứu và sơ tán những người lao động bơ vơ, Nàng không chỉ quan tâm đến mạng sống của những con người ấy mà cả đến việc giải tỏa tinh thần nặng nề cho họ.
Còn Roza, cô gái bị kẹt lại giữa những cuộc đảo chính nối tiếp nhau, tưởng như không còn cơ hội rời bỏ đất nước để sang châu Âu đoàn tụ gia đình. Trong những tình huống hiểm nghèo và li kỳ, cô đã được một nhà ngoại giao trẻ của Việt Nam cứu giúp, sau đó nhiều năm còn được anh giúp đỡ kết nối cô với gia đình ở trời Âu. Và ở cái kết của tiểu thuyết, hai cô gái vốn là nạn nhân này đã cùng xuất hiện trong một bối cảnh ấm áp tình người, truyền cảm hứng cho người đọc.